Bài 1: 'Tại sao các ông không đối thoại với Hồ Chí Minh'?

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, khát vọng độc lập của người Việt Nam không được tôn trọng. Người Mỹ không muốn Việt Nam, Lào hay Campuchia rơi vào tay cộng sản.

Trước, trong và sau những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên mạng xã hội và một số kênh phát thanh, truyền hình phát bằng tiếng Việt (đặt ở nước ngoài), có một số người ra sức xuyên tạc, bóp méo sự kiện lịch sử này.

Họ cho rằng, Điện Biên Phủ là cuộc chiến của hai bên hiếu chiến, không phải cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, tự do. Thô bỉ và trắng trợn hơn, họ nói chiến thắng Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Do mang sẵn định kiến, ác cảm, có không ít người còn bịa đặt trắng trợn về sự hy sinh của anh hùng Tô Vĩnh Diện, trong khi chính nhân chứng sống khẳng định sự dũng cảm, chấp nhận lấy thân mình cứu khẩu pháo của người anh hùng. Lại có người nói anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh khi kéo pháo ra chứ không phải kéo pháo vào.

Xét lại lịch sử, bóp méo, nhào nặn, pha loãng sự kiện lịch sử không phải điều gì mới. Chỉ khác ở chỗ, sự kiện 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những người “cố ý làm trái” thực hiện hành vi xét lại tinh vi hơn. Trong khi, họ không không biết hoặc cố tình không biết, chính những người chỉ huy quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, nhà sử học, giới lãnh đạo Pháp, Mỹ thừa nhận sự vĩ đại, tầm vóc của sự kiện lịch sử cách nay 70 năm.

Toàn cảnh đồi Độc Lập. Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chiến sĩ xung kích giương cao trên nóc hầm chỉ huy của địch sau khi bộ đội ta phá hủy hoàn toàn vị trí này vào ngày 14.3.1954

Toàn cảnh đồi Độc Lập. Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chiến sĩ xung kích giương cao trên nóc hầm chỉ huy của địch sau khi bộ đội ta phá hủy hoàn toàn vị trí này vào ngày 14.3.1954

Tháng 1.2024, Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”. Bộ phim này được phát sóng lần đầu vào tối 6.5 và phát lại vào sáng 7.5.2024, lúc lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đang diễn ra tại tỉnh Điện Biên.

Để có bộ phim dài 47 phút này, nhóm phóng viên VTV4 đã vô cùng kỳ công để tiếp cận nhân chứng và khai thác kho tài liệu đồ sộ được lưu trữ tại Pháp. Thông tin, tư liệu về trận Điện Biên Phủ hiện rất nhiều nhưng nội dung bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ nhìn từ nước Pháp” đem lại cho công chúng nhiều thông tin vô cùng mới mẻ, có những thông tin lần đầu được biết. Nó đủ sức đập tan những chiêu trò bóp méo thông tin, đòi xét lại sự kiện lịch sử cách đây 70 năm, trong mấy ngày vừa qua.

“Người Pháp không ngờ tới”

Nội dung bộ phim tài liệu cho thấy, năm 1953, nhiều đại biểu quốc hội Pháp bày tỏ sự hoài nghi về thắng lợi của đội quân viễn chinh, họ đòi chấm dứt chiến tranh. “Nếu các ông không đối thoại với Chính phủ của Hồ Chí Minh thì chẳng có lối thoát nào khác. Đó sẽ là chiến tranh và chúng ta phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lâu dài”- dân biểu Gilbert De Chambrun lên tiếng. Một đại biểu khác chất vấn: “Thưa bộ trưởng, ông đã đến thủ đô nước Mỹ để xin chi viện 385 triệu USD.

Nếu nhờ viện trợ này của Mỹ, chúng ta sẽ nhanh chóng có được vị thế tốt để có thế mạnh đàm phán, nhưng chúng ta không thể để một vấn đề nghiêm trọng tiếp diễn khi nó liên quan đến vận mệnh của nước Pháp”. Trong phim có đoạn phỏng vấn Giáo sư Hugues Tertrais của Đại học Paris 1, Panthéon-Sorbonne, Cộng hòa Pháp, ông này nói: “Chi phí chiến tranh ở Đông Dương lấy từ ngân sách của Pháp. Vậy, phải làm gì để giảm chi phí từ ngân sách, họ (chính phủ Pháp) đã làm bằng cách chuyển giao phần lớn số ngân sách đó cho Hoa Kỳ”. Bằng sự hỗ trợ tài chính, khí tài của Mỹ, Pháp hy vọng giành chiến thắng, tuy nhiên, kết quả cuộc chiến ở Đông Dương, cụ thể là trận Điện Biên Phủ đã kết thúc theo cách mà người Pháp không bao giờ ngờ tới.

Bằng sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, nhóm phóng viên VTV4 lấy được bản ghi âm (băng gốc) cuộc đối thoại giữa hai sĩ quan cao cấp nhất của Pháp được giao chỉ huy trận Điện Biên Phủ. Băng ghi âm thể hiện, 16 giờ ngày 7.5.1954, Tướng De Castries có đoạn hội thoại cuối cùng với Tướng ba sao René Cogny (chỉ huy các lực lượng mặt đất ở miền Bắc Việt Nam):

“- Việc tốt nhất bây giờ là phải dùng không quân yểm trợ để lực lượng Việt Minh dừng lại.

- Vâng thưa tướng quân, giờ có rất nhiều người bị thương và nhiều người trong số họ đang nằm trong tay kẻ thù.

- Tôi hiểu chứ. Hãy làm mọi cách có thể để kết thúc. Những gì ông làm là quá tốt rồi. Ông hiểu điều đó chứ?

- Vâng, tôi hiểu, thưa tướng quân.

- Tạm biệt ông, hẹn gặp lại. Tôi sẽ gọi lại cho ông, trước khi đụng độ”.

Chỉ một tiếng rưỡi đồng hồ sau cuộc hội thoại trên, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ sau 56 ngày bị vây hãm. Tin Điện Biên Phủ thất thủ gây chấn động thế giới. Ngay sau thời khắc đó, báo chí Hoa Kỳ đăng phát biểu của ngoại trưởng nước này, ông Dulles nói: “Hoa Kỳ vẫn hy vọng cuộc chiến Đông Dương sẽ không thất bại”.

Lật lại những trang hồ sơ mật đang lưu trữ tại Pháp, nhóm phóng viên VTV4 lấy được đoạn phim chiếu cảnh, một ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, thủ tướng và bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp bị đám đông tấn công ngay tại Khải Hoàn Môn.

Gần một năm sau ngày Điện Biên Phủ sụp đổ, ngày 31.3.1955, Bộ Quốc phòng Pháp thành lập một ủy ban điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân thất bại mang tên Điện Biên Phủ. Nhiều tướng lĩnh liên quan đến sự thất bại này được mời đến phiên điều trần, trong đó có ba sĩ quan cao cấp gồm: Tướng 4 sao Henri Navarre, tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương; Tướng 3 sao René Cogny, chỉ huy các lực lượng mặt đất ở miền Bắc Việt Nam và tướng De Castries, chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Năm 1956, tướng Henri Navarre viết cuốn hồi ký “Đông Dương hấp hối”, cuốn hồi ký này khi công bố, đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Năm 1979, vị tướng này công bố cuốn hồi ký “Thời điểm của những sự thật”. Trong sách, Tướng Henri Navarre viết: “Tôi đến Sài Gòn ngày 19.5.1953. Đối với tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, cuộc chiến ở Đông Dương lúc bấy giờ chỉ còn là một việc phải giải quyết đi cho rồi. Người ta muốn thoát khỏi cuộc chiến này nhưng lại bất đồng với nhau về đường lối chính trị, cả về chiến lược cần phải áp dụng. Vì được giao nên tôi cũng vạch ra một kế hoạch chính trị, quân sự và trở về Paris vào đầu tháng 7 để báo cáo lên chính phủ”.

Báo chí Pháp thông tin “Điện Biên Phủ thất thủ” vào ngày 8.5.1954

Báo chí Pháp thông tin “Điện Biên Phủ thất thủ” vào ngày 8.5.1954

“Khát vọng độc lập của người Việt Nam không được tôn trọng”

Trao đổi với nhóm phóng viên VTV4, Tiến sĩ Ivan Cadeau (làm việc tại Bộ Quốc phòng Pháp) cho biết: “Tướng Navarre được giao nhiệm vụ tìm ra một lối thoát trong danh dự cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Kể từ năm 1950, người Pháp đã ở trong khuôn khổ chính sách chống chủ nghĩa cộng sản của Mỹ. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, khát vọng độc lập của người Việt Nam không được tôn trọng. Người Mỹ không muốn Việt Nam, Lào hay Campuchia rơi vào tay cộng sản”.

Thành lập năm 1915, Cơ quan Truyền thông và Sản xuất nghe nhìn của Bộ Quốc phòng Pháp lưu trữ rất nhiều tài liệu (dạng giấy in, phim ảnh) về hoạt động quân sự của Pháp cả trong nước và nước ngoài, trong đó có cuộc chiến Điện Biên Phủ. Tài liệu cơ quan này thể hiện, mục đích chính của Pháp khi xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ nhằm tạo lợi thế, gây sức ép để bắt Việt Nam phải kết thúc chiến tranh theo ý đồ của Pháp và Hoa Kỳ. Ngày 20.11.1953, Tư lệnh Navarre chỉ thị cho Tướng René Cogny trong vòng 5 ngày, chậm nhất ngày 1.12.1953 phải đánh chiếm Điện Biên Phủ. Chiến dịch này được đặt tên “Chiến dịch Hải ly”, mở đầu cho quân Pháp đánh chiếm Điện Biên.

Tài liệu của nước Pháp cho biết, chỉ trong 3 ngày đầu chiến dịch, có bốn nghìn lính nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. “Việc nhảy dù ở giai đoạn một được thực hiện một cách ồ ạt và bị địa hình cản trở đáng kể. Khó khăn nhất là huấn luyện lính nhảy dù ở độ cao đúng mục tiêu” - tài liệu của Pháp ghi.

Tài liệu thể hiện tiếp: “Sự xuất hiện ngày càng lớn mạnh của lực lượng Việt Minh là lý do đầu tháng 12, tổng tư lệnh quyết định đánh trận Tây Bắc, tập trung vào Điện Biên Phủ, phải giữ được bằng mọi giá nơi đây. Lực lượng Không quân chịu trách nhiệm hỗ trợ cho chiến dịch, chỉ trong 11 ngày, hơn 1.700 tấn thiết bị chiến tranh được thả xuống Điện Biên Phủ bằng đường không, trong đó có hai chiếc máy ủi”.

Việc tiếp vận cho Điện Biên Phủ bằng đường không gặp nhiều khó khăn, rủi ro do thời tiết cũng như việc cung cấp nhiên liệu, nhưng cuối cùng, quân Pháp vẫn xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm quân sự khổng lồ. Tháng 2.1954, Điện Biên Phủ trở thành pháo đài bất khả xâm phạm.

Việt Đông

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-tai-sao-cac-ong-khong-doi-thoai-voi-ho-chi-minh-a172771.html