Bài 1: 'Giả mù chữ' để thi giấy phép lái xe thật

Việc cấp bằng lái xe A1 cho người dân tộc thiểu số không biết đọc tiếng Việt được quy định tại Điều 43, 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Theo đó, chương trình đào tạo lái xe và sát hạch lấy giấy phép lái xe đối với người dân tộc thiểu số không biết chữ do Sở Giao thông vận tải – Xây dựng xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế. Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện tình trạng người đồng bào dân tộc ở vùng cao, dù biết đọc, biết viết nhưng vẫn xin xác nhận của địa phương là “mù chữ” để được giảm phần thi lý thuyết sát hạch giấy phép lái xe.

Diễn ra ở nhiều địa phương

Chuyện bắt đầu xảy ra từ ngày 19/1/2023, khi Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai tiếp nhận hồ sơ đào tạo và đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe - Công ty Cổ phần vận tải Lào Cai. Qua rà soát cho thấy, 127 hồ sơ học viên là đồng bào dân tộc thiểu số được xác nhận không biết đọc, viết tiếng Việt có nhiều nghi vấn. Ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã có công văn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp xác minh trình độ học vấn của 127 người được UBND các xã xác nhận là người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt.

Đến ngày 8/3, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng nhận được thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả xác minh trình độ học vấn của 127 cá nhân nêu trên. Trong đó có 77/127 học viên biết đọc, biết viết chữ tiếng Việt; 4 người không xác minh được do không có dữ liệu dân cư hoặc không có thông tin cư trú tại địa phương (!?). Trong số này, Bát Xát là huyện có nhiều trường hợp nhất với 59 trường hợp biết đọc, viết tiếng Việt; tiếp theo là huyện Bảo Thắng 9 trường hợp, Mường Khương 6 trường hợp, Bắc Hà 2 trường hợp, Si Ma Cai 1 trường hợp. Đặc biệt, trong số những người được xác nhận không biết đọc, biết viết, có nhiều trường hợp đã tốt nghiệp THCS, cá biệt, có người đã tốt nghiệp THPT nhưng vẫn được xác nhận là không biết chữ.

Để làm rõ đâu là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người dân dù biết đọc, biết viết tiếng Việt vẫn xin xác nhận “mù chữ”, phóng viên đã tìm đến gia đình ông Giàng A H., bà Nông Thị B., thôn Bản Vền, xã Bản Qua (Bát Xát). Bà B. là 1 trong số 59 trường hợp của huyện Bát Xát được xác định biết đọc, viết tiếng Việt nhưng trong hồ sơ đăng ký thi giấy phép lái xe hạng A1 lại được UBND xã Bản Qua xác nhận “mù chữ”.

Ông Giàng A H. – chồng bà Bích cho biết: Vì được một người bán hồ sơ đăng ký thi lấy bằng lái xe mô tô giới thiệu là khi được xác nhận “mù chữ” thì sẽ được giảm thiểu phần thi lý thuyết nên vợ tôi đã nhờ làm hộ xác nhận; tuy nhiên vợ tôi lại thi trượt thực hành. Trong thôn tôi, thời gian qua có một số người biết chữ nhưng đều đã nhờ xin xác nhận là “mù chữ” để đi thi cho dễ.

Ông H. chia sẻ với phóng viên.

May mắn hơn Bà B., chị Hoàng Thị M. (sinh năm 1978), cũng ở thôn Bản Vền, xã Bản Qua thi giấy phép lái xe hạng A1 lần đầu đỗ ngay. Theo thông tin xác minh, chị M. đã tốt nghiệp THCS nhưng đã được một người đàn ông tên A, thôn Bản Vai, xã Bản Qua (Bát Xát) giúp làm hồ sơ thi theo diện người mù chữ. Chị M. cho biết: “Tôi đã đưa hơn 2,2 triệu đồng cho ông A để mua hộ hồ sơ và hoàn thiện tất cả các giấy tờ liên quan như giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận không biết chữ.

Tiếp tục đến xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, chúng tôi gặp chị Giàng Thị S., sinh năm 2004, trú tại thôn San Hồ. Chị S. có tên trong danh sách 127 người đăng kí dự học và thi sát hạch lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1 mà Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tiếp nhận hồ sơ. Theo chia sẻ của chị S., dù đã tốt nghiệp THCS nhưng ông Thào Seo C, người cùng xã chuyên bán hồ sơ đăng ký học và thi lấy bằng xe máy A1 lại tư vấn chị nên đăng ký thi ở lớp dành cho người không biết đọc, viết tiếng Việt cho dễ đỗ phần thi lý thuyết. Không chỉ vậy, ông Thào Seo C còn cam kết, chỉ cần gửi ảnh và giấy photocopy căn cước công dân, ông ta sẽ hỗ trợ xin giấy xác nhận không biết chữ, đổi lại, chị S. phải đưa cho ông C số tiền 2,5 triệu đồng. Rất không may, dù đã vượt qua được vòng thi lý thuyết, nhưng chị S. lại thi trượt phần thực hành và phải chờ thi lại đợt sau.

Dễ dãi và thiếu trách nhiệm

Trong đợt rà soát vừa qua, huyện Bảo Thắng có 9 trường hợp “giả mù chữ”, trong số này có 4 người thường trú tại thị trấn Nông trường Phong Hải. Đặc biệt có trường hợp chị Ly Ty L., quê quán tại huyện Mường Khương, lấy chồng và sinh sống tại thôn Tòng Già, thị trấn Nông trường Phong Hải. Theo kết quả thẩm tra của cơ quan chức năng, chị Ly Ty L. từng tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, nhưng trong hồ sơ đăng kí thi sát hạch lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1, vẫn được xác nhận là không biết chữ (!?). Cùng với đó, các trường hợp khác là anh Tráng Seo H. (thôn Tòng Già), chị Giàng Thị T. (thôn Vi Mã) đều học hết lớp 6 và anh Lù Seo C. học hết lớp 4… nhưng tất cả đều được xác nhận là không biết chữ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông Trường Phong Hải cho biết: Địa bàn xã có nhiều thôn vùng 3, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm trên 50%, trình độ học vấn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vì thế dẫn đến khai báo không trung thực. Hơn nữa, địa bàn thị trấn Nông Trường Phong Hải rất rộng, nên việc nắm thông tin để xác minh người dân cũng gặp nhiều khó khăn.

Cũng tương tự, Chị Chảo Tả M., thôn San Lùng, xã Bản Vược (Bát Xát) dù đã học hết lớp 7 nhưng vẫn được UBND xã Bản Vược xác nhận không biết viết, đọc tiếng Việt để làm hồ sơ thi bằng lái xe A1.

Ông Vũ Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Vược, cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã đã xác nhận không chính xác cho một vài trường hợp, việc này chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc và yêu cầu bộ phận một cửa rà soát kỹ thông tin những trường hợp đến xin xác nhận là không biết chữ để xác nhận cho đúng.

Qua câu chuyện 77/127 trường hợp nộp hồ sơ học và tham gia thi sát hạch lấy giấy phép lái xe mô tô hạng A1 dù biết chữ nhưng vẫn được xác nhận là không biết chữ đang khiến dư luận đặt câu hỏi: chính quyền nhiều xã, thị trấn ở huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Bắc Hà căn cứ vào đâu để xác nhận người biết chữ thành “mù chữ ? Bên cạnh đó, có 4 người được xác nhận không biết chữ nhưng khi kiểm tra thì không có dữ liệu dân cư hoặc không có thông tin cư trú tại địa phương, vậy chính quyền xã căn cứ vào đâu để khẳng định đó là công dân của địa phương?

Có thể thấy, tình trạng coi nhẹ việc xác nhận trình độ học vấn của công dân đang diễn ra ở khá nhiều địa phương. Và có hay không việc chính quyền địa phương dễ dãi, thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận cho người biết chữ thành người “mù chữ”, hay còn nguyên nhân nào khác ?

Bài 2: Cần giải pháp quản lý chặt chẽ công tác đào tạo lái xe

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-gia-mu-chu-de-thi-giay-phep-lai-xe-that-post366154.html