Bạch Thông: Trao sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững

BBK- Nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, huyện Bạch Thông đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chương trình tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, đồng thời bao tiêu sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

 Người dân xã Mỹ Thanh thu hoạch dưa bán cho đơn vị liên kết.

Người dân xã Mỹ Thanh thu hoạch dưa bán cho đơn vị liên kết.

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi có mặt tại thôn Bản Châng, xã Mỹ Thanh đúng lúc gia đình bà Bàn Thị Xuân đang thu hoạch dưa chuột để giao cho đơn vị liên kết tiêu thụ. Dưới cái nắng đầu hè, cả gia đình bà tất bật hái dưa, đóng gói, cân sản phẩm. Đây là năm đầu tiên gia đình bà Xuân tham gia mô hình trồng dưa chuột theo chương trình liên kết tiêu thụ do địa phương triển khai. Khi đăng ký tham gia, bà được cung ứng trước giống, vật tư nông nghiệp, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. “Nhà tôi trồng 500m2, thời điểm này thu được hơn 1 tấn quả, giá trung bình 5.000 đến 6.000 đồng/kg, tính ra cũng được vài chục triệu đồng”- bà Xuân chia sẻ.

Năm 2024, xã Mỹ Thanh đã triển khai mô hình trồng cây dưa chuột theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 10ha tại 05 thôn. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Sau một năm thực hiện, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người dân tăng thu nhập.

 Hỗ trợ giống cây khoai tây cho người dân xã Sỹ Bình.

Hỗ trợ giống cây khoai tây cho người dân xã Sỹ Bình.

Ông La Quang Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: “Mô hình này không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường. Đây là một hướng đi phù hợp với điều kiện của địa phương, giúp từng bước nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững”.

Các chương trình hỗ trợ sinh kế trên địa bàn huyện trong lĩnh vực chăn nuôi giúp người dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế. Năm 2024, hộ ông Nông Văn Ngườm, thôn Khau Cưởm, xã Sỹ Bình, được hỗ trợ hai con trâu giống sinh sản từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chuỗi liên kết tiêu thụ. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Từ khi nhận được trâu giống, ông bắt đầu thay đổi cách làm ăn.

“Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nay được hỗ trợ trâu giống, tôi có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, chăn nuôi lâu dài. Nếu chăm sóc tốt, trâu sinh sản sẽ giúp gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống”- ông Nông Văn Ngườm chia sẻ.

 Hộ ông Nông Văn Ngườm, thôn Khau Cưởm, xã Sỹ Bình được hỗ trợ trâu sinh sản theo chuỗi liên kết tiêu thụ.

Hộ ông Nông Văn Ngườm, thôn Khau Cưởm, xã Sỹ Bình được hỗ trợ trâu sinh sản theo chuỗi liên kết tiêu thụ.

Năm 2024, huyện Bạch Thông đã lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án phát triển sản xuất để triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững được bố trí tổng nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng tập trung vào hỗ trợ sinh kế, mô hình sản xuất và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ hơn 86 tỷ đồng để triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần trên địa bàn huyện.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 2,82% so với năm 2023, hộ cận nghèo giảm 0,87%. Kết quả này cho thấy các chính sách hỗ trợ đã phát huy hiệu quả bước đầu, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn./.

Hà Thanh

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bach-thong-trao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-giup-giam-ngheo-ben-vung-post70878.html