Bác sĩ Roberto De Castro: 10 năm mổ miễn phí cho trẻ em Việt
Gặp vị bác sĩ đã hỗ trợ 'chú lính chì' Thiện Nhân, và sau đó là hàng ngàn trẻ em Việt được khám và điều trị miễn phí những khiếm khuyết ở vùng nhạy cảm.
Trước kia, người mẹ nuôi của cậu bé Thiện Nhân đưa con đi khắp nơi trên thế giới tìm bác sỹ chữa trị thì ngày nay, những bác sỹ giỏi hàng đầu thế giới đang quy tụ về Việt Nam để khám chữa bệnh miễn phí. Bác sĩ Roberto De Castro đã từ Ý đến Việt Nam trong hành trình thiện nguyện suốt 10 năm qua. Ông cũng là hạt nhân đi kiếm tìm thêm đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các bác sĩ trẻ để có thể tiếp nối hành trình Thiện Nhân được dài lâu hơn.
+ Chào bác sỹ, ông có thể cho chúng tôi biết đôi điều về hành trình Thiện Nhân từ khi bắt đầu và cho tới ngày hôm nay, sau 10 năm trôi qua?
- Tôi rất cảm kích khi có mặt tại đây. Đây là kỳ khám và phẫu thuật thứ 14 trong 10 năm qua, tôi cũng đang rất mong chờ đến năm sau, năm thứ 15 của chương trình Thiện Nhân. Đây là một con số ấn tượng mà các bác sỹ chúng tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi được đồng hành cùng chương trình để giúp đỡ các em nhỏ.
+ Đồng nghiệp ví von ông giống như thủ lĩnh trong các “trận chiến” trong phòng mổ, nhưng hình như gần đây ông cũng có đôi chút suy tư?
Tranh luận căng thẳng với đồng nghiệp trước các ca phẫu thuật
- Tôi đang nghĩ về thời gian. Thực sự ngạc nhiên khi tỷ lệ trẻ em mắc khiếm khuyết bộ phận sinh dục, rối loạn giới tính, bệnh về đường tiết niệu tại Việt Nam lại cao như vậy. Sự thực, để theo đến cùng một em bé có thể phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật chứ không phải chỉ một lần là xong. Có những loại thuốc chúng tôi phải mang từ Ý sang, khá đắt tiền, những dụng cụ mổ đặc trị riêng.
Tuy nhiên, Quỹ Thiện Nhân and Friends đã lo cho chúng tôi rất chu đáo để chúng tôi chỉ việc yên tâm chữa trị cho các em. Nhưng ở thời điểm này, cần thêm nhiều bác sỹ trẻ để có thể thay tôi khi đã lớn tuổi rồi cũng là điều khiến tôi suy nghĩ.
Điều này khiến chúng tôi bớt đi lo lắng khi tuổi tác đã lớn, tôi thực sự cần thế hệ trẻ tham gia và tiếp tục nhiệm vụ “vá lỗi tạo hóa” cho các em. Gia đình họ đã chờ đợi mỏi mòn rồi.
+ Vẫn còn 1.000 em bé trong danh sách chờ mổ. Ông có thể cho biết kế hoạch tiếp tục mổ cho các em nhỏ này?
Bác sĩ Roberto De Castro nhớ tên nhiều bệnh nhi
- Để có thể giúp được hàng ngàn em nhỏ như vậy, chúng tôi luôn cần thêm các bác sỹ mới cùng tham gia chương trình, những người trẻ hơn tôi, trẻ hơn đội ngũ bác sỹ từ những ngày đầu để có thể dần dần thay thế chúng tôi.
Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi kết nối và xây dựng được mối quan hệ gắn bó với các bệnh viện tại TP.HCM, Đà Nẵng, đặc biệt là BV Việt Đức và Viện Nhi Trung ương tại Hà Nội. Sự quan tâm hàng đầu của chúng tôi là giúp đỡ các em bé có hoàn cảnh khó khăn gặp khiếm khuyết về bộ phận sinh dục. Chúng tôi cũng rất vui vì trong ekip của mình đã có thêm các bác sỹ trẻ quốc tế, bác sỹ trẻ Việt Nam cũng đã rất chủ động học hỏi, tham gia mổ trực tiếp. Việc chuyển giao kiến thức, kỹ thuật đã hoàn thành và họ đã hoàn toàn có thể thay chúng tôi thực hiện các ca mổ.
Và một thực tế là các bác sỹ Việt Nam, thế hệ các bác sỹ chuyên khoa sinh dục tiết niệu nhi trẻ tuổi và rất tài năng đã và đang thực hiện các ca mổ này cho những em bé Việt Nam. Tin vui là có rất nhiều người đang âm thầm hỗ trợ cho Quỹ Thiện Nhân and Friends.
+ Ông hãy nói điều gì để gia đình bệnh nhân sẽ yên tâm là ông sẽ luôn quay trở lại Việt Nam thường xuyên?
- Khi xem lại hình ảnh các em bé Việt Nam, chúng tôi luôn xúc động. Dường như ít có cảm giác nào mạnh hơn. Chúng tôi cảm thấy thắt tim khi nghĩ các em đã và đang phải chờ đợi mỗi kỳ khám cách nhau 1 năm. Như thế là không công bằng và nghĩa là các em phải chờ đợi quá lâu so với những gì các em chịu đựng. Tôi hiểu điều ấy và luôn cố gắng nỗ lực để tới đây với các em.
Hàng ngàn bệnh nhi Việt Nam đã được hỗ trợ phẫu thuật
Sự "tiếp sức" của các bác sĩ Việt Nam vô cùng quan trọng
Tôi luôn sẵn sàng quay trở lại Việt Nam, ngay cả khi tôi đã nhiều tuổi hơn. Tôi cũng còn có những dự định của bản thân như là tiếp tục đào tạo cho lớp bác sỹ mới. Đây là điều rất quan trọng mà tôi muốn làm. Đây là kỹ thuật mới và ngay cả các nước phương Tây cũng không có nhiều tài liệu về kỹ thuật này nên việc chuyển giao kỹ thuật cũng là quan tâm hàng đầu của chúng tôi.
+ Xin chân thành cảm ơn ông! Chúc ông và các đồng nghiệp luôn có sức khỏe tốt để tiếp tục giúp trẻ em Việt Nam!