Bác sĩ Nhi giải đáp: Trẻ sơ sinh sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc?

Trẻ sơ sinh khi bị sốt cao nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ quá liều. Cha mẹ có thể cho con dùng thuốc uống hoặc thuốc nhét vùng hậu môn để hạ cơn sốt.

Thân nhiệt trẻ sơ sinh bao nhiêu độ thì sốt?

Đối với trẻ sơ sinh, do cơ chế điều hòa thân nhiệt của não bộ chưa hoàn thiện nên nhiệt độ cơ thể bé thấp hơn so với người lớn. Thân nhiệt bình thường của trẻ dao động trong khoảng 36 ± 0,6 độ C.

Trẻ sơ sinh bị sốt khi nhiệt độ vùng nách từ 37 độ C trở lên - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết cơ thể trẻ bị sốt khi cha mẹ dùng nhiệt kế kiểm tra nhiệt độ ở vùng hậu môn là 38 độ C, vùng nách là 37 độ C.

Để đảm bảo độ chính xác, cha mẹ nên dùng nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Để kiểm tra chính xác trẻ sơ sinh có bị sốt hay không, cha mẹ nên sử dụng nhiệt kế, không nên dùng tay vì hoàn toàn không chính xác. Hiện nay, nhiều gia đình thường sử dụng nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế cầm tay và nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ cho trẻ sơ sinh. Trong đó, nhiệt kế điện tử được sử dụng phổ biến nhất vì mức độ chính xác và an toàn. Cha mẹ có thể sử dụng loại nhiệt kế này để đo nhiệt độ vùng trán, tai hoặc nách của trẻ.

Trẻ sơ sinh sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc?

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết, khi bé sốt, cha mẹ hãy cho bé nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát để thấm mồi hôi, cho uống nhiều nước và thức ăn dễ tiêu hóa. Trường hợp bé sốt quá cao với nhiệt độ trên 39 độ C dẫn đến nguy cơ mất nước và mệt mỏi, cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Trẻ sơ sinh sốt cao trên 39 độ C nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, thuốc hạ sốt an toàn cho bé là Acetaminophen (biệt dược Hapacol, Efferalgan…). Liều thông thường là 10 – 15mg/kg theo cân nặng của bé đối với mỗi lần uống. Cho bé uống 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ đồng hồ. Đồng thời, cha mẹ có thể tham khảo liều dùng hướng dẫn trên vỏ hộp.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc theo liều chỉ định của bác sĩ. Tránh trường hợp lạm dụng thuốc và cho trẻ dùng thuốc quá liều dẫn đến hiện tượng ngộ độc thuốc. Cha mẹ cũng cần xem các thuốc đang sử dụng cùng lúc cho bé có thành phần hạ sốt hay không, tránh trường hợp sử dụng thuốc quá liều.

Cha mẹ có thể cho trẻ sơ sinh dùng thuốc uống hoặc thuốc nhét vùng hậu môn khi bị sốt - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Thùy Dương thông tin, trẻ có thể dùng được thuốc hạ sốt dạng uống hoặc nhét hậu môn. Hai dạng thuốc này đều có tác dụng hạ sốt và có ưu điểm riêng:

- Thuốc hạ sốt cho trẻ dạng uống: Dùng cho bé bị sốt kèm theo triệu chứng tiêu chảy.

- Thuốc hạ sốt cho trẻ dạng viên nhét hậu môn: Dùng cho các bé bị sốt có triệu chứng nôn ói nhiều hoặc đang ngủ.

Bênh cạnh đó, bác sĩ Thùy Dương cũng nhấn mạnh trong mỗi cữ thuốc hạ sốt cha mẹ chỉ dùng một trong hai hình thức uống hoặc nhét hậu môn, không dùng hai loại cùng lúc.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/bac-si-nhi-giai-dap-tre-so-sinh-sot-bao-nhieu-do-thi-uong-thuoc-c21a296200.html