Bắc Đại, Thanh Hoa đổi cách chấm điểm vì lo sinh viên kiệt sức

Để giảm áp lực điểm số cho sinh viên, một số trường đại học ở Trung Quốc đổi qua cách tính điểm bằng chữ cái A, B, C, D, F.

 Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh đổi cách tính điểm cho sinh viên. Ảnh: VCG.

Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh đổi cách tính điểm cho sinh viên. Ảnh: VCG.

Ngày 3/1, trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) thông báo đổi cách tính điểm để giúp sinh viên "giải thoát" khỏi áp lực điểm số.

Cụ thể, trường sẽ bỏ cách tính GPA bằng số, đồng thời bỏ hệ thống xếp hạng và sẽ đánh giá sinh viên bằng điểm chữ A, B, C, D hoặc F.

Thông báo này của trường nhanh chóng tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn. Nhiều sinh viên đại học ủng hộ trường Khoa học Đời sống và cho biết họ thích cách tính điểm mơ hồ này hơn cách tính chính xác. Trong khi đó, một số người lại lo lắng việc tính điểm sẽ ảnh hưởng đến việc thi tuyển cao học sau này.

Lý do đổi cách tính điểm

Tại Trung Quốc, GPA là chỉ số đánh giá sinh viên đại học và được đưa vào hồ sơ khi đăng ký các chương trình thạc sĩ ở nước ngoài hoặc chương trình đại học trong nước.

Dưới áp lực điểm số, nhiều sinh viên Trung Quốc bị mắc kẹt trong những cuộc cạnh tranh không cần thiết, dẫn đếp căng thẳng, kiệt sức.

 Sinh viên Trung Quốc "liều mạng" để kiếm từng con điểm. Ảnh: Pexels.

Sinh viên Trung Quốc "liều mạng" để kiếm từng con điểm. Ảnh: Pexels.

Ông Tang Ping, một lãnh đạo của trường Khoa học Đời sống, nói với China Daily rằng sinh viên trường ông kiệt sức vì phải cố đạt điểm GPA thật cao và hầu như không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội hoặc khóa học yêu thích.

"Nhiều em thậm chí phải ôn lại đề thi của các năm trước, hoặc viết thư cho giáo viên để xin nâng điểm", ông Tang thông tin.

Nói thêm về việc đổi cách tính điểm, ông Wang Shiqiang, cựu Phó hiệu trưởng của trường, cho biết phương án này nhằm giúp sinh viên có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động thực tế.

Phía nhà trường tin rằng một sinh viên đạt 85/100 điểm nghĩa là đã kiến thu kiến thức rất tốt, các bạn không cần phải tiêu tốn quá nhiều sức lực để đạt 95 điểm.

Thay vì cố lấy điểm cao hay cả ngày chỉ vùi mình trong phòng thí nghiệm, ông Wang khuyên sinh viên cần nắm vững kiến thức về khoa học đời sống cùng các môn học khác như Toán và Khoa học máy tính.

Trong một khảo sát ở trường Khoa học Đời sống, khoảng 88% sinh viên trường ủng hộ hệ thống chấm điểm mới. Sinh viên Ma Qiwei nói rằng cách chấm điểm chữ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có thể cân bằng giữa việc nghiên cứu và việc học. Qua đó, Ma có thêm nhiều kế hoạch dự phòng cho tương lai.

Không phải ai cũng ủng hộ

Ngoài ra, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Sư phạm Hoa Đông và Đại học Công nghệ Thượng Hải cũng đã thử áp dụng hệ thống chấm điểm chữ.

Tuy nhiên, do GPA vẫn là yếu tố quan trọng trong việc trao học bổng cho sinh viên, nộp hồ sơ du học và học cao học, nhiều sinh viên vẫn lo về những tác động của việc bỏ GPA.

 Nhiều người vẫn muốn giữ nguyên GPA vì có lợi cho việc du học và học cao học. Ảnh: Pexels.

Nhiều người vẫn muốn giữ nguyên GPA vì có lợi cho việc du học và học cao học. Ảnh: Pexels.

Sinh viên Chen Jialu là một người khá ủng hộ cách tính điểm chữ vì như vậy, cậu có thêm thời gian để tham gia những khóa học ngoài.

Tuy nhiên, nam sinh vẫn lo rằng việc thay thế GPA bằng điểm chữ có một hạn chế là chỉ dùng được ở những trường chấm điểm chữ, nhiều trường khác trong nước và các trường nước ngoài vẫn dùng GPA nên những người muốn du học hoặc học thạc sĩ, tiến sĩ có thể gặp rắc rối.

Trả lời lo ngại này của sinh viên, ông Wang cho biết nhà trường sẽ cấp hồ sơ cho những sinh viên có nhu cầu học cao học hoặc du học để giải thích hệ thống chấm điểm mới. Ông tin rằng khi lứa sinh viên đầu tiên có thể du học thành công bằng bảng điểm chữ, những nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống tính điểm mới sẽ được giảm bớt.

Dù vậy, Luo Jiayuan, học viên cao học tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, tin rằng sinh viên đại học vẫn có nguy cơ cạnh tranh khốc liệt dù đổi điểm số thành điểm chữ.

Theo Luo, ngoài GPA, sinh viên còn phải cạnh tranh nhau từng đầu điểm rèn luyện - phần điểm kiếm từ các hoạt động trong trường và hoạt động xã hội. Do đó, nữ sinh lo rằng nếu các trường bỏ GPA, sinh viên sẽ đổ xô đi kiếm điểm rèn luyện để tranh học bổng.

"So với những đầu điểm rèn luyện, tôi thấy điểm thi vẫn công bằng hơn", nữ sinh nêu quan điểm.

Không riêng người học, các nhà giáo dục cũng không đồng tình với việc bỏ hẳn GPA. Bà Fan Xiudi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đánh giá Giáo dục ở Đại học Đồng Tế (Thượng Hải), nói rằng việc hủy bỏ toàn bộ GPA không hoàn toàn mang lại điều tốt.

Bà nhận định việc bỏ điểm số mang lại ý nghĩa tích cực là sinh viên sẽ không bị áp lực trong cuộc đua điểm số. Tuy nhiên, bà Fan nói với Wenhui Daily rằng việc tạo ra hệ thống chấm điểm mơ hồ cũng không tốt cho việc nuôi dưỡng những tài năng trẻ.

“Điều cơ bản là phải xây dựng nền tảng vững chắc trong việc nuôi dưỡng những tài năng đặc biệt. Sinh viên có thể không cần lo chuyện điểm số, nhưng các em vẫn cần thể hiện thái độ tích cực khi học tập, nghiên cứu", bà Fan nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/bac-dai-thanh-hoa-doi-cach-cham-diem-vi-lo-sinh-vien-kiet-suc-post1453067.html