Bà Rịa – Vũng Tàu: Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ

Sáng 22/11/2020, tại Khách sạn Pullman (TP.Vũng Tàu), đã diễn ra Hội thảo 'Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ'.

Tham dự Hội thảo có các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện các bộ, ngành Trung ương; Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ. Hội thảo đã thu hút khoảng 200 đại biểu, gồm lãnh đạo của 7 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận; lãnh các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi nhằm đóng góp ý kiến không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng.

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho hay,cần có một cơ chế đủ mạnh, có dấu ấn của "nhạc trưởng" để xác định thế mạnh của từng tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ. Thậm chí, còn cần cả cơ chế để các tỉnh không chỉ cùng đóng góp nguồn lực để phát triển mà còn có cơ chế để chia sẻ lợi ích từ sự phát triển đó. Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: "Làm sao để nếu Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng tốt, thu ngân sách cao thì các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai… cũng thấy vui, hạnh phúc".

Tương tự, TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủcho rằng, cần có cách đặt vấn đề mới, quyết liệt hơn trong kết nối vùng vì vấn đề này đã được đặt ra suốt nhiều năm, nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu. Đồng thời, với vị thế Đông Nam Bộ là một vùng kinh tế có đóng góp nhiều nhất cả nước thì cách tiếp cận vấn đề kết nối vùng không thể chỉ từ góc độ "xin - cho", không "cơi nới" mà phải có những cơ chế để "vượt trước".Bên cạnh đó, quyết liệt hơn trong kết nối vùng vì "vấn đề này đã được đặt ra suốt nhiều năm, nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu".

Trong đó, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, Đông Nam Bộ đã và đang giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, với khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 60% ngân sách.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: "Đây là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, Đông Nam Bộ có lợi thế là 1 trong 20 địa điểm phát triển cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới và đến năm 2025 khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động sẽ tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng".

Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết,quy hoạch đến năm2020, vùng Đông Nam bộ có 11 cao tốc với tổng chiều dài 970km, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 120km đưa vào hoạt động, do đó rất cần có quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Dịp này, TS.Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân các dự án hạ tầng giao thông kết nối ở phía Nam chậm hơn so với miền Bắc là do thiếu sự chỉ đạo thống nhất thực hiện theo quy hoạch được duyệt, cơ chế chỉ huy, phối hợp trong vùng còn yếu, lỏng lẻo. Do đó, theo ông Kiên, "các tỉnh cần phối hợp với nhau để chọn làm cái gì".

P.V

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/ba-ria-vung-tau-thuc-day-ket-noi-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-bo/20201125104539232