Ba công nghệ đột phá để tích hợp AI vào não người
Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Mỹ Tesla, ông Elon Musk có một dự án tham vọng bất thường khi thành lập công ty công nghệ thần kinh Neuralink để 'sáp nhập máy tính với não người' nhờ ba công nghệ sáng tạo.
Ông Musk đồng sáng lập Neuralink năm 2016 và được thế giới chú ý khi thông báo dự án cấy chip vào não người để thiết bị tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) có thể tương tác với não người. Hồi tháng 7, Neurlink đã trình diễn công nghệ trên. Theo lý thuyết, chip siêu nhỏ sẽ được cấy vào phía sau tai người. Con chip có nhiều sợ dây tí hon chứa các điện cực để tỏa đi khắp não.
Tỷ phú Musk muốn Neuralink một ngày nào đó có thể kích thích sự cộng sinh giữa con người và AI. Ông rất phấn khích khi thông báo Neuralink đã thành công trong làm cho một con khỉ điều khiển máy tính bằng não và bắt đầu thử nghiệm trên người vào cuối năm sau.
Ông Andrew Hires, Trợ lý Giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học California, đánh giá Neuralink đã cải tiến các công nghệ hiện có theo ba hướng rất đáng chú ý.
1. Dùng dây mềm không gây tổn thương não
Theo ông Hire, dây dùng trong thiết bị do Neuralink đề xuất có thể khiến lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ. Bản thân việc Neuralink dùng loại dây linh hoạt này đã là một đổi mới quan trọng, đặc biệt là khi họ tìm cách gắn vào người. Mỗi sợi dây nhỏ hơn sợi tóc và mang theo các điện cực vừa có thể phát hiện hoạt động não và kích thích các hoạt động đó.
Dây cứng nếu đưa vào não sẽ gây ra nhiều tổn thương vì não có thể làm dây di chuyển bên trong. Não sống rất mềm, mềm hơn rất nhiều so với các mẫu não trong phòng thí nghiệm vì các mẫu này đã được làm cứng bằng formaldehyde. Dây mềm mà Neuralink sử dụng có thể là giải pháp khả thi hơn để dùng cho các thiết bị sẽ được gắn vào não người trong một thời gian dài.
Đây không phải là công nghệ mới, chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết dây mềm này có thể tồn tại trong não lâu hơn vài năm hay không. Vật liệu để sản xuất loại dây này là polymer được dùng khá phổ biến trong lĩnh vực thần kinh. Trong khi đó, các điện cực làm bằng vàng.
2. Dùng máy khâu đưa dây vào não
Một vấn đề lớn với dây mềm là khó luồn nó vào não. Để giải quyết vấn đề này, Neuralink đã phát minh ra một thứ hoàn toàn mới. Các sợi dây sẽ được luồn vào não bằng một robot siêu nhỏ giống như máy khâu. Chiếc máy này sẽ dùng kim cứng để nhét các sợi dây vào vị trí vỏ não.
Theo ông Hires, ý tưởng về sử dụng chiếc máy khâu đặc biệt này là điều hoàn toàn mới mẻ và quan trọng. Trước đây, khi đưa thiết bị tương tự vào não chuột, người ta phải làm thủ công và quá trình này rất khó vì bàn tay không thể giữ ổn định đủ lâu để thực hiện các thao tác.
3. Siêu chip phiên dịch hoạt động não
“Vũ khí” cuối cùng của Neuralink là con chip sẽ dùng để phiên dịch hoạt động não mà các điện cực thu được. Sau khi đưa dây và điện cực vào não thành công, một vấn đề khó hơn sẽ là lấy tín hiệu từ não vì các tín hiệu này rất nhỏ. Khi các tín hiệu phải di chuyển một khoảng cách càng xa thì càng dễ bị âm thanh xung quanh tác động và bóp méo. Do đó, Neuralink muốn phóng to và số hóa tín hiệu não càng gần nguồn càng tốt. Họ sẽ dùng con chip tân tiến để ghi âm tại nhiều vị trí hơn với độ chính xác cao hơn.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học phấn khích nhất không phải là một trong ba công nghệ đột phá nói trên mà là sự kết hợp giữa ba công nghệ. Tiến sĩ Rylie Green thuộc trường Đại học Hoàng gia London nhận định: “Cả ba lĩnh vực trên đều đã được phát triển một thời gian rồi nhưng thật tuyệt vời khi thấy cả ba công nghệ được kết hợp trong một thiết bị”.
Trong khi tỷ phú Elon Musk muốn hướng tới tương lai sáp nhập ý thức con người và AI thì các chuyên gia như ông Hires và bà Green quan tâm tới lợi ích trong tương lai gần mà công nghệ của Neuralink đem lại. Theo ông Hires, ứng dụng đầu tiên có thể hình dung ra là giúp người bị liệt kiểm soát tốt hơn cánh tay robot. Còn bà Green cho rằng bệnh nhân mắc hội chứng “khóa trong” có thể dùng công nghệ này để điều khiển tay, chân robot.
Mặc dù kiểm soát chi robot bằng thần kinh đã được thực hiện từ năm 2012, nhưng công nghệ của Neuralink có thể tạo ra bước đột phá tiếp theo – phản hồi với sự động chạm. Về mặt lý thuyết, điều này có thể xảy ra nếu chip của Neuralink ghi lại được khu vực nào của não được kích thích khi chúng ta chạm và tương tác với thế giới. Sau đó, điện cực có thể dùng thông tin này để kích thích não của người đang có bộ phận tay, chân giả để não mô phỏng cảm giác.
Tuy nhiên, ông Hires cho rằng tham vọng tích hợp AI với não người là điều viễn tưởng. Giả sử tích hợp được thì lo ngại lớn nhất khi đó sẽ là bảo vệ thông tin, tránh bị rò rỉ khỏi giao diện AI-não người. Dù vậy, ông Hires cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng Neuralink đạt được tham vọng đó. Ông nói: “Nó có thể xảy ra trong khi Elon Musk vẫn còn sống”.