Australia kết luận thép mạ kẽm có bán phá giá

Cơ quan có thẩm quyền của Australia đã đồng ý với kết luận, thiệt hại đối với ngành công nghiệp thép mạ kẽm Australia bị gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá/được trợ cấp.

Biên độ phá giá cho 1 nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác là 8,4%. Ảnh internet.

Theo thông tin do Thương vụ Việt Nam tại Australia, ngày 16/8, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã công bố Báo cáo cuối cùng (REP 370) về cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.

Theo đó, ADC và người có thẩm quyền đã ra quyết định cuối cùng đồng ý với khuyến nghị của Ủy viên của ADC về cuộc điều tra nói trên.

ADC đã sử dụng phương pháp so sánh giá trị bình quân gia quyền của giá xuất khẩu với giá trị bình quân gia quyền của giá trị thông thường tương ứng trong giai đoạn điều tra để so sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thường từ đó chứng minh hành vi bán phá giá và xác định biên độ phá giá.

Do đó, ADC kết luận rằng giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa liên quan và do đó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự của Australia (giảm lợi nhuận, hiệu suất lợi nhuận, cắt giảm việc làm, có sự kìm giá, ép giá). Đồng thời ADC kết luận rằng thiệt hại đối với ngành công nghiệp thép mạ kẽm Australia bị gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu bán phá giá/được trợ cấp.

Cụ thể, trong nội dung chống bán phá giá, đối với Việt Nam, biên độ phá giá cho 1 nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác là 8,4%; biên độ phá giá cho các công ty không hợp tác và các nhà xuất khẩu khác là 14,2 %. Trước đó, tại thông báo chấm dứt một phần vụ việc chống bán phá giá đối với Việt Nam được ADC công bố vào ngày 17/7/2017, 2 nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác của Việt Nam đã được loại khỏi cuộc điều tra do có biên độ phá giá thấp hơn mức tối thiểu.

Đối với Malaysia, biên độ phá giá cho các nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác là từ 14,5% đến 16,5%. Biên độ phá giá cho các công ty không hợp tác và các nhà xuất khẩu khác là 16,5%.

Đối với Ấn Độ, biên độ phá giá cho các nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác là từ 7,6% đến 9%. Biên độ phá giá cho các công ty không hợp tác và các nhà xuất khẩu khác là 12%.

Trong vụ việc chống trợ cấp, thuế chống trợ cấp áp dụng cho các nhà sản xuất xuất khẩu hợp tác của Ấn Độ từ 3,6% đến 5%; biên độ trợ cấp đối với các nhà sản xuất không hợp tác và các nhà sản xuất còn lại là 5,9%.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/australia-ket-luan-thep-ma-kem-co-ban-pha-gia.aspx