Áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Ðông đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là Nakri. Ðây là cơn bão số 6 năm 2019 trên Biển Ðông. Dự báo, trong những giờ tới, bão di chuyển chậm về phía đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm.

Ðến 19 giờ hôm nay (6-11), vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 350 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ tới do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: phía bắc vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 112,0 độ kinh đông.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, khoảng từ ngày 8 đến 11-11 ở các tỉnh trung và nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn, với tổng lượng mưa khoảng 300 đến 500 mm, có nơi hơn 500 mm. Ðiều đáng lo ngại hiện nay là khu vực này vừa mới chịu tác động của hoàn lưu bão số 5 và vừa xảy ra một đợt mưa lớn từ ngày 2 đến 4-11. Nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng vùng trũng thấp ven sông và các khu đô thị lớn.

* Các hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên đã đầy nước

Theo Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa thủy lợi khu vực bắc Trung Bộ dung tích bình quân đạt 55 đến 85%, hiện còn 53 hồ chứa bị hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Tại khu vực nam Trung Bộ, mực nước các hồ còn ở mức thấp, dung tích bình quân đạt 55 đến 75%. Có hai hồ đang xả lũ, 24 hồ chứa bị hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Riêng khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ đã đạt 80 đến 90%, có sáu hồ đang xả và 41 hồ chứa bị hư hỏng, 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

* Ðoàn cứu trợ của Tập đoàn FPT đã đến Bình Ðịnh thăm và trao quà cứu trợ tặng đồng bào bị thiệt hại do bão số 5. Tại đây, đại diện Tập đoàn FPT cam kết hỗ trợ xây dựng 10 ngôi nhà, trị giá 500 triệu đồng cho người dân vùng bão lũ.

* UBND tỉnh Phú Yên đề nghị T.Ư hỗ trợ 82 tỷ đồng khắc phục thiệt hại về nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, xây dựng và các công trình khác do ảnh hưởng của bão số 5. Ðồng thời, tỉnh đề nghị hỗ trợ 50 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng; 30 tấn hóa chất khử trùng, phòng chống dịch Benkocid; thuốc sodium chlorite 20% số lượng 30 tấn; 200 nghìn viên Cloramine B 250 mg…

* Thời tiết xấu cộng với sóng lớn đã làm hàng trăm mét bờ kè ở làng chài Thạch By 2, xã Phổ Thạnh, huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) bị vỡ. Kè chắn sóng Sa Huỳnh được xây dựng hơn 10 năm nay, ngăn chặn nước biển xâm thực, bảo vệ nhà cửa của khoảng gần 300 hộ dân thôn Thạch By 2. Tuy nhiên, từ năm 2017, tuyến kè đã bị hư hỏng, xuống cấp do bị sóng biển tàn phá. UBND huyện Ðức Phổ đã có văn bản đề nghị tỉnh đưa sự cố này vào diện khẩn cấp.

* Các lực lượng trên huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây đã khẩn trương giúp đỡ 81 tàu cá với gần 1.000 ngư dân các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Quảng Ngãi vào tránh ATNÐ đang mạnh lên thành bão. Ngoài ra, Trung tâm liên lạc qua hệ thống sóng ngắn để hướng dẫn tàu cá khẩn trương di chuyền về các âu tàu, làng chài tại huyện đảo Trường Sa để trú tránh bão.

* Chiều 4-11, tàu cá PY 92359 TS cùng sáu ngư dân bị nạn trên vùng biển Trường Sa đã được tàu 788 của Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn cứu nạn, lai dắt về đến đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) an toàn. Tuy nhiên, do biển động mạnh cho nên tàu cá PY 92359 TS chưa thể vào âu tàu Sinh Tồn để sửa chữa.

Các địa phương ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát

Ðến nay, tỉnh Quảng Bình vẫn còn 24 xã, phường thuộc sáu huyện, thành phố có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chưa qua 30 ngày. Nguyên nhân của việc dịch tả lợn diễn biến phức tạp hiện nay là do ảnh hưởng hai đợt mưa lũ kéo dài, khiến môi trường ẩm ướt, thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan.

* Tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ địa phương các loại hóa chất phòng, chống DTLCP. Theo đó, tỉnh đề nghị hỗ trợ 15 nghìn lít Han Iodine 10% và 10 nghìn lít Benkocid. Hiện DTLCP ở Quảng Trị vẫn tiếp tục lây lan mạnh. Toàn tỉnh có hơn 10 nghìn hộ chăn nuôi ở 118 xã, phường, thị trấn thuộc cả chín huyện, thị xã, thành phố có lợn nhiễm dịch. Số lợn tiêu hủy hơn 52 nghìn con.

* Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đã cơ bản khống chế, ngăn chặn có hiệu quả DTLCP. Tính riêng trong tháng 10, số lợn mắc bệnh và chết buộc phải tiêu hủy ở Ninh Thuận là 196 con, trọng lượng hơn 7.400 kg, giảm 73% so tháng 9.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ðồng Nai, từ giữa tháng 10 đến nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được DTLCP. Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh chỉ ghi nhận khoảng hai ổ dịch, chỉ bằng 20% so thời gian trước đó.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42145202-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-%C3%B0ong-manh-len-thanh-bao.html