Áp lực thành tích cho đội tuyển điền kinh Việt Nam

Sau đợt nghỉ Tết âm lịch ngắn ngày, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã trở lại tập trung đầy đủ quân số ở năm điểm tập huấn với các nhóm tổ nội dung khác nhau. SEA Games 31 là giải đấu quan trọng nhất các tuyển thủ hướng đến sắp tới - nơi các vận động viên điền kinh được giao chỉ tiêu cao nhất của đoàn thể thao chủ nhà Việt Nam với thành tích từ 16 tới 17 Huy chương vàng.

Vận động viên Quách Thị Lan được kỳ vọng mang về huy chương cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.

Vận động viên Quách Thị Lan được kỳ vọng mang về huy chương cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.

Nói về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định "Đội tuyển điền kinh quốc gia đang tập huấn với những vận động viên tốt nhất của các nội dung. Chúng ta đặt chỉ tiêu phấn đấu giành từ 16 tới 17 Huy chương vàng tại SEA Games lần này. Để đề ra mục tiêu như vậy chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tương quan lực lượng với các quốc gia trong khu vực". Ba năm trước, đội tuyển điền kinh Việt Nam kết thúc SEA Games 30-2019 ở Philippines với vị trí nhất toàn đoàn cùng 16 Huy chương vàng. Vì vậy, việc ông Hùng và ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đề ra mục tiêu tương ứng cho SEA Games 31 trên sân nhà là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, trước mục tiêu này thì các tổ nhóm chuyên môn sẽ chịu áp lực không nhỏ.

Hầu hết vận động viên từng giành ngôi vô địch tại SEA Games 30-2019 vẫn có mặt ở đội tuyển điền kinh Việt Nam trong năm 2022. Một trong những người chịu áp lực lớn là Quách Thị Lan. Tuyển thủ điền kinh người Thanh Hóa là ngôi sao sáng nhất của điền kinh Việt Nam trong năm 2021 khi thi đấu tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 đồng thời làm nên lịch sử bằng việc giành quyền vào bán kết cự ly chạy 400 m. Không thể nói rằng, Quách Thị Lan không tạo được đột phá tại SEA Games 31. Tuy nhiên, dựa trên lịch sử thi đấu các lần dự SEA Games, kết quả thực tế lại không thật ủng hộ Quách Thị Lan bởi vì chân chạy này chưa một lần giành Huy chương vàng cá nhân trong cự ly sở trường 400 m, 400 m rào tại đấu trường này. Thậm chí, lần thi đấu gần nhất là SEA Games 30, cô vẫn thua đồng đội Nguyễn Thị Huyền - người giành cú đúp Huy chương vàng tại chung kết 400 m, 400 m rào nữ. Chỉ tiêu SEA Games 31 dành cho tổ chạy 400 m, 400 m rào nữ là giành từ hai đến ba Huy chương vàng (do có thi đấu tiếp sức 4x400 m nữ) nên áp lực đang đặt lên đôi chân cả Lan và Huyền. Xáo trộn đáng kể nhất ở tổ nội dung này là huấn luyện viên kỳ cựu Vũ Ngọc Lợi vắng mặt không dẫn dắt đội tuyển trong năm 2022 vì lý do sức khỏe, cho nên chuyên gia người Bulgaria sẽ trực tiếp huấn luyện Lan, Huyền cùng các tuyển thủ khác của nội dung thay vì phân chia công việc với từng huấn luyện viên như trước.

Sau thời gian nghỉ Tết, quân số của tuyển điền kinh Việt Nam đã tập trung trở lại đầy đủ. Nhiều tuyển thủ đã thành danh như Lê Tú Chinh, Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Văn Lai... đang trong giai đoạn rèn luyện tập trung nhất. Trong số họ, khả năng thành công hay không tại SEA Games 31 của nhà cựu vô địch nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo vẫn bỏ ngỏ. Cô đã nghỉ thi đấu một năm để sinh con, lo việc gia đình và Thu Thảo trở lại tập luyện từ tháng 10 năm ngoái. Huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hiếu xác nhận "Vận động viên cần một quá trình làm quen trở lại để có cảm giác thi đấu tốt nhất. Chúng tôi cũng sẽ tập các bài thể lực hiệu quả nhất và hy vọng Thu Thảo đạt được đúng chuyên môn như từng có". Lần gần nhất Bùi Thị Thu Thảo thi đấu SEA Games là giải tổ chức năm 2017 tại Malaysia. Đánh dấu sự trở lại của mình, Bùi Thị Thu Thảo đã giành Huy chương vàng nhảy xa khi dự giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2021 tổ chức trên sân vận động Mỹ Đình, nhưng thành tích còn khiêm tốn là 6 m 27. Trong khi đó, do xuống phong độ và lớn tuổi, cựu tuyển thủ quốc gia Dương Văn Thái không được tập trung tuyển quốc gia ở tổ chạy ở nội dung trung bình dài (800 m, 1.500 m) của năm 2022. Thay cho Dương Văn Thái, ban huấn luyện đã tập trung tuyển thủ Trần Văn Đảng. Điểm duy nhất gương mặt trẻ rất triển vọng này còn cần tích lũy chính là kinh nghiệm dự các giải quốc tế.

"Một vấn đề các tuyển thủ đã phải quen trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là không được nhiều cơ hội thi đấu, tập huấn quốc tế. Do vậy, ban huấn luyện luôn có báo cáo chỉ số chuyên môn thường xuyên đến chúng tôi theo các chu kỳ huấn luyện để điều chỉnh phù hợp nhất", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm về khó khăn của tuyển điền kinh Việt Nam. Chính vì ít được đấu giải cọ xát, huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương thường xuyên hướng dẫn cô học trò ruột Lê Tú Chinh thực hiện các bài tập bổ trợ với tạ để tăng thể lực, giúp duy trì ổn định sức mạnh cần thiết nhất. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam và Tổng cục Thể dục-Thể thao đã thống nhất kế hoạch tổ chức giải tiền SEA Games vào trung tuần tháng tư, song quyết định cuối cùng phải cần có ý kiến từ lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

BÍCH DIỆP

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/ap-luc-thanh-tich-cho-doi-tuyen-dien-kinh-viet-nam-686639/