Áp lực mất việc làm của lao động nông thôn

KTĐT - Theo số liệu điều tra mới nhất về “ảnh hưởng của suy thoái kinh tế lên đời sống lao động, việc làm của người nông dân” do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa công bố: Suy giảm kinh tế đã khiến trung bình mỗi tỉnh có gần 22% lao động di cư từ thành phố phải trở về nông thôn và hơn 17% lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn. Trong đó, chỉ có trên 11% số lao động di cư trở về tìm được việc làm mới.

Nam Định là tỉnh có số lao động trở về địa phương cao nhất (gần 40% lao động trở về từ công nhân doanh nghiệp, gần 55% lao động trở về từ trang trại). Hầu hết họ đều đã mất việc làm từ cuối năm 2008. Khi ở thành phố, công việc bấp bênh, khi quay trở lại quê hương, họ gần như không tích lũy được gì nhiều, cả về vốn liếng và kỹ năng nghề nghiệp. Hầu hết những người vừa trở về vẫn chờ đợi những cơ hội ra đi mới. Do ảnh hưởng suy giảm kinh tế nên tiêu thụ sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp cũng giảm. 71,6% số xã cho biết giá bán nông sản giảm (mức độ giảm trung bình 16,6%), 14% xã có sản phẩm nông nghiệp không bán được, gần 6% xã không bán được sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, 36% xã bán sản phẩm tiểu thủ công nghiệp giảm giá. Chính điều này đã làm cho 68% hộ nông dân bị ảnh hưởng nặng. Bản điều tra đã đưa ra nhiều kết luận quan trọng, trong đó đáng chú ý là suy giảm trong sản xuất nông nghiệp khi đầu tư cho trang trại giảm 21%. Trung bình 15,4% số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở những địa phương phải ngừng hoạt động từ đầu năm 2009 đến nay do không bán được sản phẩm, 8% cơ sở giảm quy mô lao động. P.V

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=58&newsid=157620