Áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc: Yêu cầu bức thiết

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 'Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc' trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chính của Đề án là đẩy mạnh xã hội hóa việc truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Để thực hiện Đề án, tỉnh đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: thông tin tuyên truyền phổ biến về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tổ chức xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; tăng cường xã hội hóa, tranh thủ mọi nguồn lực trong việc triển khai hệ thống này.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) là đơn vị đầu mối trong hoạt động áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch.

Đồng thời, Sở phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Mã số, Mã vạch quốc gia và các tổ chức liên quan tiến hành tập huấn, đào tạo, phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và tài liệu hướng dẫn áp dụng về hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng và áp dụng hệ thống trên, đảm bảo khả năng kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ được Sở KH-CN tuyên truyền, hướng dẫn về kế hoạch thực hiện đề án của tỉnh và quy định, yêu cầu về hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Ngọc Thu

Hiện nay, Sở KH-CN đang chuẩn bị các nội dung để tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến tuyên truyền về kế hoạch thực hiện Đề án; ứng dụng công nghệ Blockchain xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Ông Đinh Gia Nghĩa-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-cho biết: “Công ty là một trong những doanh nghiệp có thương hiệu hàng đầu ở lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả không chỉ tại thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế với 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường Nhật Bản, Mỹ, Israel và các nước EU. Theo chúng tôi, Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” được xây dựng bài bản, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký nguồn gốc vườn trồng của mình hay sản phẩm từ các nông trại. Hiện tại, chúng tôi đang được Sở KH-CN tạo mọi điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện nhưng đơn vị này còn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành và xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia cũng mới tiến hành.

Vì vậy, đến nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, về đánh giá sự phù hợp của hệ thống và về truy xuất nguồn gốc đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm chưa được hướng dẫn cụ thể.

Việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa khi đưa ra thị trường. Ảnh: Ngọc Thu

Ông Nguyễn Việt Thắng-Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH-CN) cho hay: “Để khắc phục những khó khăn trên, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Mã số, Mã vạch quốc gia giúp Sở KH-CN triển khai xây dựng một số mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; biên soạn các tài liệu hướng dẫn cụ thể về truy xuất nguồn gốc, lựa chọn các giải pháp truy xuất nguồn gốc đã được thẩm định, đánh giá đủ điều kiện kết nối Cổng thông tin truy xuất sản phẩm, hàng hóa quốc gia để phổ biến, giới thiệu rộng rãi đến doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-khẳng định: Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo tối thiểu 30% doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng dịch vụ mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng hệ thống này nhằm hướng đến năm 2030 sẽ hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong tỉnh vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

NGỌC THU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202010/ap-dung-va-quan-ly-he-thong-truy-xuat-nguon-goc-yeu-cau-buc-thiet-5702577/