Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM và thực tiễn ở Việt Nam
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) - phương pháp dùng để quản lý một tổ chức, doanh nghiệp, định hướng chất lượng với sự tham gia của mọi thành viên sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Điều kiện khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM
Thực tế cho thấy, để hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM đạt hiệu quả tốt nhất, các doanh nghiệp phải cần đảm bảo điều kiện như: Trách nhiệm về chất lượng phải thuộc về lãnh đạo cao nhất của tổ chức. Theo đó, lãnh đạo phải đưa ra cam kết, tạo điều kiện phát triển TQM trong hệ thống và đồng hành trong mọi giai đoạn triển khai thực hiện TQM
Bên cạnh đó, cần phải kiên trì áp dụng, không nóng vội, triển khai lần lượt từ khu vực, bộ phận tới toàn thể; mạnh dạn cải tiến và thay đổi tổ chức theo chương trình TQM; trao quyền và ủy nhiệm cho cán bộ trung gian, các giám sát viên, các trưởng nhóm và cả người lao động để họ có thể chủ động thực hiện TQM; đảm bảo hệ thống thông tin vận hành liên tục.
Khai thác tốt công cụ thống kê tìm ra nguyên nhân để có các biện pháp khắc phục, điều chỉnh kịp thời và chính xác. Để tránh những tổn thất kinh tế, phải có chiến lược đào tạo cụ thể, phải triệt để thực hiện nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu.
Chất lượng phải là mối quan tâm của mọi thành viên trong tổ chức. Do vậy, TQM phải được xây dựng trên cơ sở thông hiểu lẫn nhau, huy động sự hợp tác, tham gia của tất cả mọi người vì mục tiêu chung là chất lượng...
Thực tiễn ở Việt Nam
Từ 20 năm trước, tại Việt Nam, Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong Hải Phòng là đơn vị đầu tiên thí điểm triển khai TQM. Đơn vị này đã áp dụng thành công TQM để các đơn vị khác đến tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Giai đoạn này, nhiều địa phương trên cả nước đã thúc đẩy phát triển hệ thống quản lý tiên tiến, bước đầu đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu ra, hạn chế lỗi sản phẩm, gia tăng chất lượng thành phẩm.
Có thể kể tên một vài đơn vị tiêu biểu trong việc áp dụng TQM như: Công ty cổ phần Thăng Long, Công ty giày Thượng Đình, Công ty Bê tông và Xây dựng Vĩnh Tuy… Tính đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng TQM.
Tại Công ty Cổ phần Trường Sơn, trước khi áp dụng TQM, sự quản lý, sắp xếp trong các bộ phận còn nhiều bất cập. Chi phí sản xuất và lãng phí của công ty còn nhiều. Tuy nhiên, dưới sự trợ giúp của chuyên gia cùng sự nỗ lực học hỏi của các thành viên, Công ty đã triển khai áp dụng tốt TQM vào công ty.
Nhờ đó, hiệu suất hoạt động của toàn Công ty đã tăng mạnh từ 40% lên 80%, gấp đôi với trước đây. Cả 10 tiêu chí đánh giá đều có sự cải thiện, đơn cử như: Sản xuất có chất lượng tăng từ 33,33% lên 66,67%, cam kết về chất lượng tăng 66,67% lên 100%; sử dụng lao động tăng từ 50% lên 83,33%...
Khó khăn phát sinh
Từ thực tiễn áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trong quá trình áp dụng TQM còn có không ít khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, về Ban lãnh đạo, các nhà quản lý còn yếu trong các kiến thức về TQM. Các nhà quản lý đều hiểu rằng để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm thì cần phải quản lý tốt ở tất cả các khâu.
Tuy nhiên, các nhà quản lý vẫn chưa nắm hết về quản lý chất lượng, công cụ quản lý chất lượng. Do đó, khi triển khai TQM trong các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Các nhà lãnh đạo chỉ đạo không sát sao trong quá trình triển khai. Vẫn xảy ra tình trạng khó tiếp cận và xây dựng hệ thống vì chưa tìm hiểu rõ.
Về tài chính, việc xây dựng hệ thống TQM đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư một khoản chi phí nhất định. Chi phí cho hoạt động tư vấn, đào tạo TQM, tổ chức thực hiện...
Trong khi đó không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực về tài chính. Cơ sở vật chất của một số doanh nghiệp còn thiếu thốn, lạc hậu gây khó khăn khi áp dụng TQM.
Một số khó khăn khác có thể kể đến như hạn chế về thói quen lao động, hạn chế về công cụ quản lý. Việc trang bị cho người lao động các công cụ để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn hạn chế.
Ngoài ra, những công nhân trong doanh nghiệp hầu hết đều là công nhân phổ thông và học nghề nên trình độ hạn chế. Vì thế, việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hoạt động đào tạo của doanh nghiệp chưa phù hợp cho đối tượng là những người công nhân này. Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng TQM.