Anh, Pháp, Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp JCPOA và phản ứng trái chiều của Iran, Mỹ, Nga
Ngày 14/1, các nước Anh, Pháp, Đức tham gia Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran (JCPOA) đã chính thức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân, chống lại Tehran.
Anh, Pháp, Đức chính thức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong JCPOA. (Nguồn: Iran Voice News)
Phản ứng với quyết định này, Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: "Nếu các nước châu Âu... tìm cách lạm dụng 'quá trình này', họ cũng phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả".
Trong khi đó, đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook cho hay, Washington khuyến khích động thái của Anh, Pháp và Đức, song nhấn mạnh, đúng hơn là Mỹ mong muốn những nước này tham gia vào các nỗ lực cô lập ngoại giao nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Hook nói: "Chúng tôi hy vọng các nước châu Âu sẽ tiếp tục buộc Iran phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi muốn họ tham gia vào các nỗ lực ngoại giao của chúng tôi, cô lập ngoại giao và gây sức ép kinh tế, là những điều kiện để đạt được một thỏa thuận mới và tốt hơn".
Ông Hook cũng cho hay, nước này "rất hài lòng" với bình luận của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhất trí với đánh giá của Mỹ về Iran rằng: "Nếu chúng ta sắp từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, hãy thay thế nó và thay thế bằng thỏa thuận của ông Trump. Đó sẽ là biện pháp tuyệt vời".
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Moscow "không thấy lý do nào" để kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, vì quyết định này của 3 nước thành viên lớn trong Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến việc quay lại thỏa thuận trở thành bất khả thi.
Bộ trên nêu rõ: "Quyết định của các nước châu Âu tham gia JCPOA tiến hành kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại chương 36 của JCPOA ... thật đáng thất vọng và gây lo ngại nghiêm trọng. Chúng tôi không loại trừ rằng các hành động thiếu suy nghĩ của 3 nước EU có thể dẫn đến một sự leo thang mới xung quanh JCPOA và khiến cho không thể quay trở lại việc thực thi thỏa thuận hạt nhân theo khuôn khổ ban đầu
Bộ trên cũng kêu gọi 3 nước châu Âu tránh các bước đi có thể dẫn đến nghi ngờ về tương lai của JCPOA, vì "thỏa thuận hạt nhân với Iran không mất đi tầm quan trọng của nó bất chấp mọi thách thức".