Anh Nam Đồng - Một tổng biên tập rất 'lạ' mà tôi từng biết

Anh giỏi ở việc dùng người. Đặc biệt là ở gần anh, cái ác, cái xấu trong con người ta ít dần đi.

Ca sĩ Chế Linh (giữa) phục vụ tại quán cơm Nụ Cười, bên trái là nhà báo Nam Đồng - Ảnh: Hòa Bỉnh

Người “lột xác” báo Pháp luật TP HCM

Tôi biết anh Nam Đồng khoảng giữa năm 1994 khi tôi từ báo Quân đội nhân dân chuyển sang báo Tuổi trẻ TP HCM. Tôi làm việc ở Văn phòng Đại diện tại Hà Nội, còn anh Nam Đồng là Phó tổng biên tập phụ trách tuần san Tuổi trẻ cười, nên trên thực tế, tôi ít khi có dịp được gặp anh.

Tuy nhiên, qua lời kể của các phóng viên Tuổi trẻ ra công tác Hà Nội, trong hình dung của tôi anh Năm (mọi người đều gọi anh như thế) phải là người cao to, lực lưỡng, đen như đồng đen dưới cái nắng nóng của Sài Gòn.

Giữa năm 1995 tôi vào tòa soạn họp. Lần đầu tiên tôi gặp anh Nam Đồng. Trái ngược với hình dung của tôi: Anh không cao to, lực lưỡng mà dáng tầm thước, bụng bự. Duy có khuôn mặt luôn thường trực nụ cười. Anh nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn, chả có khiếu hài hước gì. “Ông này sao có thể phụ trách Tuổi trẻ cười nhỉ?”, nhìn anh tôi nghi hoặc.

Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Nam Đồng: Anh là người độ lượng. Số là buổi tối hôm ấy anh chị em Tuổi trẻ tổ chức liên hoan ngay tại sân tòa soạn ở 157A Lý Chính Thắng. Trong lúc trà dư tửu hậu, tranh luận lên đến cao trào, một phóng viên, không hiểu “cãi nhau” với anh gì đó đã bê luôn cả quả dưa hấu đập xuống trước mặt anh. Mọi người hết hồn, rồi giận tím mặt. Tưởng rằng anh sẽ không bao giờ tha thứ cho cậu phóng viên này. Nhưng không, ngày hôm sau gặp lại, anh cư xử như không có chuyện gì xảy ra.

Thế rồi đùng một cái, mấy tháng sau tôi nghe tin anh chuyển sang làm Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM.

Người bảo anh Năm bị “đẩy đi”. Người lại nói, anh không muốn đi, “xin” ở lại làm biên tập viên Tuổi trẻ cười nhưng không được. Thời ấy nói thế ai chả tin. Pháp luật thành phố khi ấy mỗi tuần một số, phát hành vài nghìn bản, còn Tuổi trẻ đã là một thương hiệu lớn.

Chả thế mà hôm anh về nhận công tác, đến cổng tòa soạn, thấy anh ăn mặc tềnh toàng, bác bảo vệ hỏi: “Anh đến gặp ai?”. Anh Năm bảo: “Tôi đến gặp anh Nam Đồng - Tổng biên tập”. Ông bảo vệ: “Ngồi đấy chờ đi. Ổng chưa tới”. Khi họp, giới thiệu anh Nam Đồng - Tổng biên tập, bác báo vệ, mà không chỉ có bác bảo vệ té ngửa người ra: “Cái ông thâm thấp, đen nhẻm, bụng bự kia là Tổng biên tập ư?”.

Giờ đây, cứ mỗi khi nghĩ đến anh Nam Đồng tôi lại hay nghĩ vẩn vơ: Nếu anh Năm không “bị” điều đi, hoặc không bị “đẩy đi” (như đồn thổi) thì chắc gì đã có một tờ Pháp luật TP HCM danh tiếng như ngày hôm nay. Anh Nam Đồng về một thời gian Pháp luật TP HCM như lột xác. Từ một tờ báo tuần, vài ngàn số thành tờ báo 3 số/tuần, có lúc lượng phát hành lên tới mười mấy vạn (sau này báo phát hành hàng ngày thì tôi không còn làm ở Pháp luật TP nữa nên không dám lạm bàn).

Pháp luật thời ấy đi theo một “gu” riêng. Anh Năm bảo đó là “Trí tuệ và đại chúng” nghĩa là: Cung cấp cho người dân những kiến thức pháp luật, nhưng được viết dạng ai đọc cũng hiểu. Pháp luật thời ấy ưu tiên chọn những vụ án, vụ việc có tình tiết pháp lý phức tạp để phân tích, mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn của các giới khác nhau. Tờ báo là “món ăn tinh thần” không thể thiếu được của giới luật sư, tòa án, kiểm sát và người dân. Kiến trúc sư của sự thay đổi này, không ai khác là anh Nam Đồng.

Khi anh Năm về làm Tổng biên tập Pháp luật TP HCM tôi mới thực sự quen và thân với anh. Xuân thu nhị kỳ - mỗi năm 2 lần Quốc hội họp, cứ thứ 6 là anh lại gọi cho tôi, khi thì “ra lệnh”, khi thì “năn nỉ”: “Mày làm cho tao bài Quốc hội đi mày!”. Nghe anh gọi, bận đến mấy tôi cũng phải làm. 5 năm trời tôi “làm Quốc hội” cho anh Nam Đồng mà chả được hưởng xu nhuận bút nào. Khi cả hai đã rời Pháp luật TP HCM khá lâu, gặp lại anh ở TP HCM, nhắc lại, anh cười: “Thế á? Có chuyện ấy à?”.

Nghĩ về người khác, lo cho người khác

Năm 2001 tôi về với anh Nam Đồng. Những năm tháng làm việc dưới quyền anh với vai trò là Trưởng VPĐD tại Hà Nội tôi càng hiểu và yêu quý anh hơn. Cái tài của anh Năm không chỉ là kiến thức uyên thâm, cũng không phải kỹ năng phát hiện vấn đề, mà anh giỏi ở việc dùng người, biết khai thác tối đa họ và điều đặc biệt mà tôi muốn nói, đó là ở cạnh anh, được làm việc với anh, cái ác, cái xấu trong con người ta ít dần đi, cái thiện tăng đều lên. Ai anh cũng “dùng” được, láu cá, khôn ranh mấy cũng phải “chịu” anh.

Anh là người mê văn chương xứ Bắc, quý trọng “sĩ phu” Bắc Hà. Nghe chúng tôi kể về nhà thơ Hữu Loan, tài năng mà số phận long đong. Anh ghé tai tôi: “Mày về gặp Hữu Loan viết đi”. Tết năm đó Pháp luật TP HCM đăng bài “Người con gái trong bài thơ Màu tím hoa sim”. Rồi, chả hiểu bằng cách nào anh “gạ” được một gã cũng si Hữu Loan như anh (ông Lê Văn Chinh, Giám đốc Công ty Điện tử Vitek VTB) mua độc quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” 100 triệu đồng.

Một điều mà tôi đánh giá rất cao anh Nam Đồng, nhưng không tài nào bắt chước được anh, đó là yêu tờ Pháp luật TP HCM đến “cuồng si”. Ngồi với anh người ta có cảm giác như anh ăn vì Pháp luật, ngủ cũng vì Pháp luật. Anh làm mọi thứ vì tờ báo. Có lần anh đi từ Văn phòng Hà Nội ra sân bay Nội Bài bằng… xe ôm. Anh bảo đi như thế tiết kiệm được cho cơ quan vài trăm nghìn đồng. Có lần anh ra chơi chúng tôi “bắt” anh chiêu đãi. Mời ra quán bia tươi, đến cổng quán anh cứ tần ngần. Ngồi vào bàn, 5 người chúng tôi gọi 10 vại bia. Anh ngồi thẫn thờ, nhìn cậu bồi bàn bê bia ra, ghé tai tôi hỏi: “Bao tiền cốc vậy?”. Tôi bảo 200.000 đồng. Anh thừ người ra, tròn xoe mắt: “Mắc thế!”. Em Hạnh Lê, phóng viên của báo bảo: “Đùa anh đấy, có 20.000 đồng thôi”. Anh cười ngượng ngiụ, mặt giãn ra.

Ấy vậy nhưng, khi cử phóng viên đi tác nghiệp, hay có một đề tài hay thì hết bao nhiêu anh cũng chi. Trong suốt những năm tháng làm việc với anh, tôi chưa bao giờ thấy anh kêu: “Mắc thế” cho một bản kê khai thanh toán công tác phí nào.

Anh Nam Đồng mà tôi biết là thế. Đam mê, nhiệt huyết, ít khi nghĩ về mình. Cái không cần chi thì một xu anh cũng nâng lên hạ xuống. Cái cần chi thì cả trăm triệu đồng cũng cứ coi như không.

Cũng có lẽ vì thế mà Văn phòng Pháp luật tại Hà Nội khi ấy quy tụ những cây viết đã thành danh hoặc rất tiềm năng như Mai Phan Lợi từ Nhà báo và công luận, Bá Kiên (Nông thôn Ngày nay), Trần Lê Sơn (Đầu tư), Hoàng Nghĩa Nhân (Vnexpress), Hạnh Lê, sinh viên trường luật. Hầu hết trong số họ đều thành danh và hiện đang nắm giữ những trọng trách ở các tờ báo mà họ làm việc.

Năm 2006 tôi chuyển sang một cơ quan khác. Có thể nói, đây là cuộc chia tay rất khó khăn đối với tôi. Cho đến tận hôm nay, ngồi viết lại mấy dòng này, khi anh Năm đã rời xa Pháp luật TP HCM khá lâu rồi và chắc anh cũng chả còn vướng bận gì cái cuộc chia tay mà anh bảo là “các ông chơi tôi một vố đau quá” ấy, nhưng mỗi khi nghĩ về anh tôi vẫn rất áy náy. Tôi vẫn nợ anh một lời xin lỗi.

Sau khi về hưu, anh Nam Đồng mở “Quán cơm 2000” làm ấm lòng biết bao người lao động nghèo khó. Tiếc là tôi chưa có dịp ghé quán cơm của anh, nhưng anh em, bạn bè bảo, các quán anh Năm đang được nhân lên nhiều lần ở khắp TP HCM.

Anh là thế, đang làm việc cũng thế, rời nhiệm sở cũng vẫn vậy, vẫn luôn nghĩ về người khác, lo cho người khác.

Lê Thọ Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/anh-nam-dong--mot-tong-bien-tap-rat-la-ma-toi-biet-d261170.html