An toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Giảm nhưng vẫn nóng

Thi công, xây dựng được đánh giá là ngành có rủi ro cao về tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp và thực tế, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn thành phố. Điều này, không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động, để lại gánh nặng cho người thân, gia đình mà còn gây tâm lý không tốt đối với ngành nghề này. Có thể nói, mặc dù đã có nhiều cảnh báo cùng hàng loạt biện pháp ngăn chặn, xử lý, song công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các công trình xây dựng vẫn chưa bao giờ hết 'nóng'.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 3.365 vụ TNLĐ làm 4.105 người bị nạn. Trong đó, TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực xây dựng không những đứng đầu mà còn chiếm tỷ lệ lớn 21,8% tổng số vụ tai nạn và 20,2 % tổng số người chết. Trong đó, các trường hợp người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 23,94 % tổng số vụ.

Ảnh minh họa.

Một số vụ TNLĐ điển hình tại Hà Nội trong lĩnh vực xây dựng cũng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội liệt kê. Cụ thể, vào tối 27/9, một số người dân lưu thông trên đường gần cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội chứng kiến một khung sắt tại công trình xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng, bất ngờ rơi từ trên cao xuống, trúng ba người đang điều khiển xe máy.

Hậu quả làm một phụ nữ chết tại chỗ, một người đàn ông bị thương, phải nhập viện cấp cứu. Người may mắn thoát chết cho biết, khi đang điều khiển xe máy qua đây thì bất ngờ thanh sắt rơi xuống đè trúng xe và bị ngã, hai tay bị thanh sắt cứa chảy máu, gây thương tích.

Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh, Xã hội cho thấy: năm 2013 TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ 30,6%, năm 2014 chiếm tỷ lệ 33,1%, năm 2015 chiếm tỷ lệ 35,2%, năm 2016 chiếm tỷ lệ 23,8%, năm 2017 chiếm tỷ lệ 25,8%, 06 tháng đầu năm 2018 chiếm tỷ lệ 21,8% tổng số vụ tai nạn của tất cả các ngành nghề.

Trước đó, vụ TNLĐ sập giàn giáo công trình xây dựng khi đang thi công đổ mái tầng 1 (Công trình xây dựng Khu vực cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ dành cho ô tô) trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm xảy ra vào khoảng 2 giờ 30 phút ngày 17/01/2018, hậu quả làm 3 người chết và 3 người bị thương… Mới đây nhất, vào ngày 2/12, tại dự án Citadines Marina Hạ Long, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra vụ TNLĐ khiến 2 người tử vong.

Thực tế cho thấy, phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ trong thời gian qua do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng; các trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân... Theo nguyên tắc, để tổng thể một dự án “chuẩn”, việc tổ chức biện pháp thi công bao giờ cũng quan tâm đến đảm bảo chất lượng công trình, chất lượng công nhân, chất lượng vật liệu và quy trình thi công.

Vì lẽ đó, tại công trường xây dựng buộc phải hình thành bộ phận an toàn lao động (ATLĐ) để kiểm định, giám sát trang thiết bị kỹ thuật, đồ bảo hộ lao động công nhân, kỹ thuật an toàn thi công. Tuy nhiên, quy trình này chỉ “chuẩn” khi có đoàn kiểm tra, còn trong quá trình thi công bình thường thì rất hay bị bỏ qua.

Ông Nguyễn Sinh, 52 tuổi, quê Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết, nghe theo những lời người quen giới thiệu, ông quyết định lên Hà Nội để làm thợ xây với mong muốn kiếm thêm chút tiền trang trải cho những tháng cuối năm . Hành trang mang theo chỉ là vài bộ quần áo và bộ hồ sơ đóng dấu từ địa phương. Đến nơi, cai thầu chỉ xem qua hồ sơ, thấy khỏe mạnh, hỏi vài câu rồi ký hợp đồng lao động thời vụ và sắp xếp công việc.

Để bảo đảm ATLĐ tại các công trình, nhất là công trình xây dựng cao tầng, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đối với chủ đầu tư và các nhà thầu, cần đánh giá đầy đủ, đúng điều kiện về năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng công trình. Lựa chọn những lao động có chuyên môn, kinh nghiệm và được đào tạo về ATLĐ. Các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê tình hình TNLĐ trong ngành xây dựng để cơ quan chức năng đề xuất những chính sách, biện pháp kịp thời, hữu hiệu, giảm đến mức thấp nhất TNLĐ.

Theo ông Sinh, các thợ xây như ông chủ yếu là người ngoại tỉnh, tranh thủ lúc nông nhàn, để kiếm thêm thu nhập. Hầu hết mọi người đều không được đào tạo nhiều về kiến thức ATLĐ. “Ở các công trình lớn thì quy định rõ hơn, họ sẽ phát quần áo đồng phục, mũ bảo hộ, găng tay… Phát thì nhận vậy nhưng lúc làm vướng víu nên nhiều người thường bỏ qua. Công trình lớn là vậy, còn công trình bình bình như ở nhà dân thì chẳng ai để ý việc này” – ông Nguyễn Sinh cho hay.

Trường hợp của ông Nguyễn Sinh không phải là hiếm trong lĩnh vực xây dựng, thậm chí phải khẳng định, lao động thời vụ thường chiếm số đông trong các hoạt động xây dựng. Với những người thợ này, kiến thức ATLĐ chủ yếu do người đi trước bảo người đi sau theo kiểu truyền miệng.

Thậm chí, có người nào đó vì muốn tự bảo vệ mình thì cũng sẽ tìm hiểu thêm. Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế rất ít người thực hiện, đơn giản bởi vì…“vướng”. Ngoài ra các phương tiện bảo vệ cá nhân như giày chống trượt, thiết bị chống giật khi hàn, khoan, hoặc cách xử lý những tình huống bất ngờ trên cao, đều không có, hoặc không đầy đủ.

Thực tế, từ các công trình xây dựng lớn trên địa bàn, đến các công trình nhỏ như công trình nhà dân, không khó để phát hiện ra các sai phạm về ATLĐ. Khảo sát tại trục đường Minh Khai, nơi vừa hoàn thành xong giải tỏa, không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ xây đứng chênh vênh trên các tấm ván mỏng, mà không có bất cứ dụng cụ bảo vệ nào.

Phía bên ngoài công trình, những tấm ván, những cọc gỗ treo ròng rọc được bắc sơ sài, không gia cố lủng lẳng chực rơi xuống bất cứ lúc nào. Ngay dưới đường, vài ba người công nhân đang trộn vữa giữa hàng chồng gạch xi và bao tải xi măng ngay vệ hè mà hoàn toàn không có rào chắn với người đi đường…

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ mất ATLĐ trong ngành xây dựng so với các lĩnh vực khác, đó là sự chủ quan, thờ ơ của người chủ sử dụng lao động là các doanh nghiệp, nhà thầu. Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng được nhắc đến đó là phần lớn NLĐ chưa được đào tạo bài bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm.

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về ATLĐ các công trình xây dựng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác ATLĐ của tư vấn giám sát, nhà thầu, thanh tra xây dựng lại bị xem nhẹ, nếu không muốn nói là buông lỏng.

Để bảo đảm ATLĐ tại các công trình, nhất là công trình xây dựng cao tầng, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đối với chủ đầu tư và các nhà thầu, cần đánh giá đầy đủ, đúng điều kiện về năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng công trình. Lựa chọn những lao động có chuyên môn, kinh nghiệm và được đào tạo về ATLĐ. Các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê tình hình TNLĐ trong ngành xây dựng để cơ quan chức năng đề xuất những chính sách, biện pháp kịp thời, hữu hiệu, giảm đến mức thấp nhất TNLĐ.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/an-toan-lao-dong-trong-linh-vuc-xay-dung-giam-nhung-van-nong-85025.html