Ân tình đọng lại và trách nhiệm của thế hệ hôm nay

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử và tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 23-4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam long trọng tổ chức gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dự buổi gặp mặt có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Đại biểu Bộ Quốc phòng có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng đại diện thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam… Đặc biệt, chương trình có sự hiện diện của gần 300 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ân tình ngày gặp lại

Không ồn ào, náo nhiệt, không vội vã, tấp nập mà chỉ có những bước chân chậm rãi khoan thai, những tấm lưng còng và đôi mắt rưng lệ. Đó là hình ảnh đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi sáng Thủ đô trời trong xanh vời vợi.

Vượt quãng đường gần 500km từ TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên về Thủ đô Hà Nội, dẫu thấm mệt, song cựu chiến binh Phạm Đức Cư, nguyên Trợ lý tham mưu thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không khỏi bồi hồi khi được thăm Lăng Bác. Ông Phạm Đức Cư tâm sự: “Lâu nay, tôi ước mong được về thăm Lăng Bác Hồ nhưng tuổi tác, sức khỏe ngày càng yếu không cho phép tôi đi lại nhiều. Khi biết tin trở về Hà Nội dự gặp mặt hôm nay, tôi trằn trọc mấy đêm không ngủ được, lòng rộn ràng, xao xuyến như một thời trai trẻ ra trận…”.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Đức Thát, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 thì bày tỏ mừng vui, xúc động bởi trong cuộc gặp mặt lần này, ông được gặp lại những người bạn chiến đấu thân thiết cùng quê tỉnh Hải Dương đó là: Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiếm, ở huyện Ninh Giang; cựu chiến binh Nguyễn Tất Thắng, ở huyện Thanh Hà. Những câu chuyện ký ức một thời ra trận, khiến các cựu chiến binh không hết lời tâm sự…

“Để có được hòa bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình như hôm nay là cả một quá trình chiến đấu gian khổ, hy sinh không thể kể hết bằng lời. Bằng mọi cách chúng ta phải giữ lấy…”, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thát tâm sự.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi gặp mặt.

Các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Hội trường Bộ Quốc phòng trong sáng 23-4 rực ánh đèn và rộn ràng trong thanh âm các ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại và quê hương đất nước. Hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội nắm tay, dìu các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong về khán phòng ai cũng bồi hồi xúc động. Bởi hầu hết các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong có mặt tại buổi gặp mặt đã hơn 90 tuổi; đặc biệt có cựu chiến binh Nguyễn Chí Kiên quê Hà Tĩnh năm nay đã 103 tuổi; cựu thanh niên xung phong tỉnh Vĩnh Phúc Trần Minh Tư năm nay đã bước sang tuổi 101; trong 17 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động có mặt tại buổi gặp mặt có 3 anh hùng là cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Thay mặt cho các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi đóng góp một phần nhỏ bé vào việc cứu chữa thương binh, bệnh binh trong chiến dịch. Thiếu tướng Nguyễn Tụ tâm sự: “Lực lượng quân y chúng tôi ngoài nhiệm vụ cứu chữa cho bộ đội của ta còn được giao nhiệm vụ cứu giúp những binh lính của Quân đội Pháp bị thương. Lực lượng quân y bố trí 2 đội điều trị cùng với nhân viên y tế của Quân đội Pháp tiến hành vệ sinh, tắm rửa, điều trị cho binh lính Pháp cho đến khi họ được phép trao trả. Đó là chính sách nhân đạo của ta mà ít đội quân nào có được…”.

Còn cựu thanh niên xung phong Bùi Thị Bỉn, ở xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thì bồi hồi nhớ lại những năm tháng tham gia lực lượng thanh niên xung phong đơn vị Cù Chính Lan gánh gạo, quân trang, quân dụng lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến dịch. Ngày ấy đường rừng hiểm trở, dốc cao, vực sâu thăm thẳm; bằng đôi chân trần, đôi vai chai sạn, bà Bỉn cùng đồng đội cứ đêm đi, ngày nghỉ, luồn rừng, lội suối, trèo đèo gánh nặng trên vai phục vụ chiến trường. Bà Bỉn bồi hồi nhớ lại, đó là một lần người bạn thanh niên xung phong cùng đội với bà là đồng chí Trần Chơn bị thương cổ chân trong lúc hành quân tải lương. Lúc ấy bà Bỉn liền xung phong thồ thêm một phần lương thảo của đồng đội. Ở tuổi 15-16, tấm thân bé nhỏ là thế nhưng chính sức mạnh tinh thần đã giúp bà Bỉn cùng cả đội đưa quân lương đến nơi an toàn…

Xúc động, tự hào đó là cảm xúc của các đại biểu khi xem phim tài liệu: “Hùng ca Điện Biên Phủ”. Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh mặt trận; quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; đặc biệt trong 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ, hơn 55.000 chiến sĩ đã tham gia lực lượng chiến đấu, hơn 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo đã được huy động. Hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm mở đường ra mặt trận. Quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Trong thành quả đáng tự hào có sự đóng góp quý báu, rất quan trọng của cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đang có mặt tại buổi gặp mặt xúc động này.

Trách nhiệm với hậu thế

Trong không khí tri ân, thân tình, gần gũi, đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ sự xúc động được gặp mặt các đại biểu đại diện cho hàng triệu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trong cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai gửi đến các bậc cách mạng lão thành, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tình cảm và sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc.

Trong cuộc gặp mặt xúc động này, đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "Người Anh Cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Tổng Tư lệnh của Quân đội, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mãi mãi khắc sâu công lao to lớn của các bậc tiền bối, các bậc lão thành cách mạng, anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ".

Các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Thường trực Ban Bí thư khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn, không những kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cuộc gặp mặt lần này là hoạt động sâu sắc, thiết thực, thể hiện đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong những thành quả chung đó, các cấp Hội cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã luôn nỗ lực, gương mẫu trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào cựu chiến binh gương mẫu, cựu thanh niên xung phong nêu gương sáng làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều tấm gương tiêu biểu của cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong lan tỏa hình ảnh tốt đẹp trong xã hội.

Thường trực Ban Bí thư tin tưởng lực lượng cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; lan tỏa và giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Thế hệ trẻ hôm nay nhất định phải hiểu sâu sắc thế nào là "quyết tâm còn cao hơn núi"; phải hiểu "quân với dân một lòng, không phân biệt xuôi ngược", phải hiểu thế nào là "gan không núng, chí không sờn" của thế hệ đi trước. Đó là hành trang để thế hệ trẻ bước tới tương lai trong quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: PHẠM KIÊN - PHÚ SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/an-tinh-dong-lai-va-trach-nhiem-cua-the-he-hom-nay-774013