'Ẩn tích' giữa ngàn xanh

Ở Tây Nguyên hầu như địa danh nào cũng đều gắn liền với một huyền sử, một truyền thuyết. Có những địa danh đã phát lộ và nổi tiếng, nhưng còn rất nhiều cảnh sắc vẫn đang là những 'ẩn tích' giữa ngàn xanh, rất hợp cho những chuyến phượt mang tính mạo hiểm. Thác Đak Pe ở làng Đak Krong (thôn 10, xã Đak Pxy, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) là một 'ẩn tích' như vậy.

Từ Km 1519+500 quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua thôn Kon Hring, xã Diên Bình, huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum có 1 ngã ba đường dẫn vào con đường nhựa phẳng phiu uốn lượn chừng 12 cây số đưa ta ngang qua trập trùng đồi gò ngút ngát cao su, cà phê, hồ tiêu… đến các buôn làng dân tộc Xê Đăng ở trung tâm xã Đak Pxy. Chạy tiếp chừng 8 cây số nữa là đến làng Đak Krong. Nếu đi ô tô thì dừng tại làng, lội bộ theo lối mòn đi về hướng núi Đak Kôi tầm 2 cây số là đến thác Đak Pe. Âm thanh trầm hùng nơi lũng vắng khiến du khách như đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ. Đá tảng ngổn ngang, nước trong văn vắt, bóng trúc nứa trùm che mát lạnh… Nếu mang theo thiết bị flycam chụp từ trên cao xuống sẽ có cảm giác ngờm ngợp trước nguồn nước xô đập gầm gào tung bọt trắng mờ một góc rừng hoang, nơi điểm xuyết ngàn hoa sim tím biếc.

Thác Đak Pe. Ảnh: T.V.S

Thác Đak Pe. Ảnh: T.V.S

Thác Đak Pe gắn liền một truyền thuyết còn được kể mãi trong cộng đồng làng Đak Krong. Chuyện rằng: Nàng Pe là con gái của Yàng Teá (Thần nước), thường đến tắm gội và ngồi hong tóc bên bờ đá của con thác Đak Tia. Một đêm, nàng ngủ quên bên bờ thác ấy. Tờ mờ sớm hôm sau có chàng trai làng Đak Krong nổi tiếng tài hoa, giỏi đàn, giỏi hát, giỏi chế tác các loại đàn tre nứa, tên là Đran ra suối Đak Tia lấy nước để đi rừng. Bất ngờ, khi ấy nàng Pe xinh đẹp cũng vừa choàng tỉnh giấc. Phút giây gặp gỡ diệu kỳ ấy là khởi đầu cho mối tình giữa đôi trai tài gái sắc.

Từ đó, nhiều mùa trăng đi qua, người con gái Thủy thần và chàng trai làng thường xuyên hò hẹn nhau nơi thác nước. Khi biết con gái đang vướng tình với người trần, Thần nước không ưng cái bụng, bèn cấm ngặt nàng Pe đến tắm gội bên thác Đak Tia. Không gặp được người yêu, nàng Pe nhớ thương buồn bã đến quên ăn biếng ngủ, vóc dáng khát khô như cây rừng mùa trút lá. Thấy con ngày càng tiều tụy, Thần nước mềm lòng, bèn nhắn lời cho Đran rằng muốn lấy nàng Pe thì hãy tìm 7 gùi “củ đắng” (về sau được gọi là sâm Ngọc Linh) trong núi Ngok Linh làm lễ vật. Thế là chàng Đran thẳng núi Ngok Linh cao ngất, vượt dốc vẹt rừng đi tìm củ đắng, không đếm được mấy ngày mấy đêm như thế.

Với nỗi mong nhớ cháy bỏng, nàng Pe nhiều đêm lén cha lẻn xuống thác Đak Tia chờ đợi người yêu. Nàng đợi chàng suốt những đêm dài như thế. Cho đến một ngày, sức khỏe tiều tụy, không chống chịu nổi khí đá sương trời và cái lạnh cắt da cắt thịt, nàng đã chết trên bờ thác. Thần nước đi tìm con, đến thác Đak Tia chỉ còn thấy dáng hình con gái mình đã hóa thân vào đá tảng với mái tóc dài thả buông theo dòng thác trắng… Thần nước ân hận vô cùng, thường ra ngồi bên gờ đá thác nhớ thương con.

Tìm đủ 7 gùi củ đắng nơi lưng chừng núi Ngok Linh cao thẳm, chàng Đran trở về. Đến chân thác Đak Tia, chàng vục vào dòng nước mát uống một hơi dài cho thỏa thuê cơn khát. Lạ lùng thay, chàng nhận ra thoang thoảng trong nước có hương tóc nàng Pe! Mùi hương tóc thân quen làm chàng thẫn thờ nhung nhớ, bèn ngước mắt lên mỏm đá thì thấy Thần nước ở đó tự bao giờ và được Thần nước cho biết sự tình.

Thương nhớ nàng Pe, chàng Đran thường ra thác Đak Tia ngóng vọng người yêu. Chàng cứ đứng chôn chân như vậy không biết bao lâu thì hóa thành bóng cây to ngay bên chân thác. Cây ấy ngày nay thành cổ thụ, rễ bám sâu vào đá. Thương mối tình đẹp và buồn ấy, dân làng Đak Krong và người quanh vùng sông Đak Pxy gọi thác Đak Tia là thác Đak Pe, tức thác Nàng Pe.

Thác Đak Pe hoang sơ kỳ bí giờ đây hãy còn là một “ẩn tích” giữa ngàn xanh, đang chờ được khám phá.

TẠ VĂN SỸ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12369/201910/an-tich-giua-ngan-xanh-5654110/