An Giang quyết tâm nâng cao Chỉ số DDCI

Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của 20 sở, ban, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố năm 2023 cho thấy, một số ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh có tác động trực tiếp đến việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh (SXKD) chưa được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế.

Thời gian qua, Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, xem đây là thước đo quan trọng, khách quan trong đánh giá chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương.

Khảo sát DDCI An Giang 2023 tổng hợp ý kiến từ 1.100 phiếu điều tra; gồm 550 ý kiến của cơ sở SXKD cấp địa phương, chủ yếu là hộ kinh doanh, một phần là các DN, hợp tác xã và 550 phiếu từ chủ DN, hợp tác xã, một số hộ kinh doanh.

Kết quả DDCI sở, ban, ngành 2023, điểm số trung bình chung là 77,03 (tăng 1,11 điểm so năm 2022). Kết quả xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang đứng đầu bảng xếp hạng DDCI sở, ban, ngành 2023 với 82,11 điểm (thang điểm 100); xếp thứ 2 là Sở Giáo dục và Đào tạo với 80,60 điểm.

Đây là 2 đơn vị duy nhất đạt được mức điểm ở nhóm “Tốt” trong bảng xếp hạng DDCI sở, ban, ngành 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư (79,84 điểm) ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Sở Giao thông vận tải với 73,76 điểm (tăng hơn 3 điểm so năm 2022) vẫn giữ nguyên ở vị trí áp chót bảng xếp hạng thuộc nhóm điểm “Khá”. Vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng là Sở Khoa học và Công nghệ với 73,33 điểm.

Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo đánh giá, bảng điểm trung bình chung toàn tỉnh duy trì ổn định và có cải thiện nhẹ. Số lượng các sở, ban, ngành thuộc nhóm “Tốt” tăng từ 1 đơn vị trong đánh giá DDCI năm 2022 lên 2 đơn vị trong đánh giá DDCI sở, ban, ngành năm 2023. Đây là dấu hiệu của sự ổn định và cải thiện trong cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tại các sở, ban, ngành.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang là nhóm 5 đơn vị cấp sở, ban, ngành có mức độ thay đổi về chất lượng quản lý điều hành, nhằm cải cách môi trường kinh doanh nổi bật hơn cả trong 20 đơn vị được đánh giá và xếp hạng trong DDCI An Giang năm 2023, theo đánh giá của cộng đồng DN/hợp tác xã tham gia khảo sát.

Mặc dù vậy, mức điểm tăng (trên thang điểm 100) cũng chưa cao. Hầu hết các sở, ban, ngành dừng lại ở nhóm điểm khá, với sự theo đuổi sít sao về điểm số. Khoảng cách điểm số giữa sở ở vị trí thứ nhất và cuối cùng trong bảng xếp hạng là 8,78 (rút ngắn khoảng cách so năm 2022).

Theo chỉ số thành phần, cạnh tranh bình đẳng là chỉ số có nhiều cải thiện tích cực trong năm qua (0,65 điểm trên thang điểm 10). Trong khi đó, các sở, ban, ngành cần tập trung cải cách nhiều hơn về tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin (giảm 0,21 điểm trên thang điểm 10), quy trình thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm đăng ký và cấp phép… (giảm 0,13 điểm trên thang điểm 10).

Kết quả DDCI địa phương: Nhóm “Tốt” là địa phương có điểm số từ 80 trở lên; đứng đầu là TP. Châu Đốc với 98,39 điểm, huyện An Phú đứng thứ 2 với 87,37 điểm, huyện Chợ Mới đứng thứ 3 với 85,12 điểm, thứ 4 là huyện Phú Tân với 80,96 điểm. Nhóm “Khá” là địa phương có điểm từ 70 tới dưới 80, gồm: TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên, huyện Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Thành và TP. Long Xuyên.

Điểm trung bình chung DDCI An Giang năm 2023 là 80,30 điểm, tăng nhẹ so năm 2022 (với 79,11 điểm), tăng 1,19 điểm. Tuy nhiên, năm 2023, chỉ có 4 đơn vị thuộc nhóm “Tốt”, giảm 4 đơn vị so năm 2022. Trong đó, “tốp” các địa phương có nhiều cải thiện về điểm số môi trường kinh doanh, là: Huyện Châu Phú (tăng 10,60 điểm/thang điểm 100), Tri Tôn (tăng 7,42 điểm) và Châu Thành (tăng 7,10 điểm).

Có 7 địa phương tăng điểm số và có 4 địa phương giảm điểm so kết quả đánh giá DDCI cấp địa phương năm 2022. Trung bình toàn tỉnh, chỉ số về việc thực hiện các chính sách để làm giảm “Chi phí không chính thức” vẫn tiếp tục đạt điểm số cao nhất với mức điểm trung bình 8,59. Tiếp theo là chỉ số về hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự đạt điểm cao thứ 2 với trung bình toàn tỉnh đạt 8,53. Chỉ số phản ánh về tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin và hoạt động hỗ trợ SXKD nhìn chung còn thấp điểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, qua các báo cáo và những phân tích, đánh giá của các chuyên gia cho thấy, môi trường kinh doanh của tỉnh năm qua tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa rõ nét, kết quả đánh giá DDCI của tỉnh còn nhiều dư địa để cải thiện. Kết quả này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cần nhìn nhận lại cách làm, cách vận hành bộ máy chính quyền, cách giải quyết vấn đề của DN.

“Đề nghị các cấp, ngành và địa phương tự soi, tự xét xem có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất trong thực thi công vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương, nếu có thì khắc phục ngay. Đồng thời, thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương thấp điểm, thấp hạng phải tự xem xét, đánh giá lại cách thức điều hành để chỉnh sửa cho phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-quyet-tam-nang-cao-chi-so-ddci-a399360.html