Ấn Độ tăng cường phòng thủ biên giới với Pakistan trước lo ngại bị tấn công kiểu Hamas
Ấn Độ đã triển khai các bước nhằm ứng phó với các mối đe dọa mới nổi ở biên giới, khi tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng ở Trung Đông có nguy cơ lan sang Nam Á.
Ấn Độ đã tăng cường lực lượng phòng thủ dọc theo biên giới thực tế với Pakistan ở khu vực tranh chấp Kashmir do lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ, lấy cảm hứng từ phong trào Hamas xâm nhập thành công vào Israel, theo tờ Newsweek (Mỹ) ngày 5/2.
Một phát ngôn viên của Quân đội Ấn Độ nói với tờ Newsweek: “Việc Hamas sử dụng các phương tiện cải tiến trong cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10 năm ngoái đã khiến các cơ quan an ninh trên toàn thế giới cảnh giác”.
Người phát ngôn trên cho biết thêm: “Các biện pháp cần thiết đã được chúng tôi thiết lập dọc theo Ranh giới Kiểm soát (LoC) để ngăn chặn mọi hành động như vậy từ bên kia biên giới”.
LoC dài 740 km, phân chia hai nước có vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan dọc theo vùng Kashmir. Giống như đường ranh giới dài khoảng 65 km giữa Israel và Dải Gaza do Hamas nắm giữ, LoC là nơi diễn ra hoạt động nổi dậy thường xuyên cũng như một số cuộc đụng độ và các cuộc giao tranh lớn.
Nhưng với việc cuộc tấn công gây sốc vào tháng 10 năm ngoái của Hamas gây ra sự bùng phát bạo lực giữa Israel và người Palestine ở Dải Gaza, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã nêu ra một số bước mà quân đội nước này đã được thực hiện để ứng phó với các mối đe dọa mới nổi ở vùng Kashmir mà họ quản lý, khi tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng ở Trung Đông có nguy cơ lan sang Nam Á.
Người phát ngôn trên giải thích: “Quân đội Ấn Độ đã thiết lập Lưới chống xâm nhập và khủng bố ở khu vực trên. Các đơn vị có biên chế đầy đủ được triển khai cùng với thiết bị công nghệ thích hợp có khả năng phản ứng linh hoạt trước các mối đe dọa mới nổi, đặc biệt là từ máy bay không người lái”.
Các biện pháp an ninh ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã được tăng cường mạnh mẽ sau quyết định của Thủ tướng Narendra Modi về việc thu hồi quy chế bán tự trị của khu vực này vào tháng 8/2019. Động thái này, cùng với một cuộc đàn áp nhằm dập tắt cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ do phe ly khai tiến hành, đã gây ra tranh cãi quốc tế, cũng như sự phản ứng từ Pakistan, vốn coi động thái này là hành vi đơn phương vi phạm các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Kashmir.
Tuy nhiên, New Delhi từ lâu đã cáo buộc Islamabad tài trợ cho nhiều lực lượng dân quân theo tư tưởng Hồi giáo và ly khai dọc LoC, đồng thời đang nghi ngờ những nỗ lực của các quan chức Pakistan nhằm tạo ra mối liên hệ giữa các cuộc đấu tranh giành độc lập của Kashmir và Palestine.
Trong khi New Delhi có lịch sử bày tỏ sự thông cảm với chính nghĩa của người Palestine và trở thành quốc gia phi Arab đầu tiên công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine vào năm 1974, thì Ấn Độ đã tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và thậm chí cả an ninh với Israel kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1992. Ngược lại, Pakistan chưa bao giờ công nhận Israel và sự ủng hộ của nước này dành cho người Palestine đã được củng cố bởi những điểm tương đồng trong vấn đề Kashmir.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Newsweek, Đại diện thường trực của Pakistan tại Liên hợp quốc Munir Akram khẳng định rằng "sự nghiệp của người Palestine và sự nghiệp của Kashmir không chỉ gắn bó với nhau về mặt lịch sử, mà còn bởi vì chúng phụ thuộc vào cùng một nguyên tắc trung tâm là quyền tự quyết".
Nhà ngoại giao Pakistan trên lập luận rằng "việc áp dụng nguyên tắc tự quyết, nếu thành công ở Palestine, sẽ là động lực lớn cho việc áp dụng nguyên tắc này cho Kashmir".