Âm – Dương của khu vệ sinh hiện đại

Ngày nay cách xử lý khu vệ sinh như kiểu 'cầu cá, nhà phụ' xưa cũ không còn nữa, nhưng quan niệm về chọn vị trí trong tổng thể, bố trí vừa kín vừa hở để thông thoáng và tránh ảnh hưởng đến nhà chính... vẫn là giải pháp có ý nghĩa phong thủy và môi trường đáng lưu ý.

Khu vệ sinh thời hiện đại với nhiều tiện ích và thiết bị thư giãn cao cấp, hoàn toàn không còn là khu phụ hay “nhà xí” như thời trước. Nhưng nếu xét theo quan hệ phong thủy giữa các thành phần trong không gian sống thì triết lý Âm Dương vẫn còn nguyên những giá trị để định vị và sắp xếp không gian vệ sinh sao cho hài hòa, đúng mức và bền vững.

Từ đặc trưng dân gian

Theo Dịch lý, yếu tố Âm Dương trong nhà ở mang tính luân phiên biến đổi thành chu kỳ lặp lại hằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm… thể hiện tính Âm Dương nối tiếp nhau, phản ánh quá trình vần xoay của vũ trụ.

Âm Dương có điều hòa và chuyển hóa thì vạn vật mới tồn tại và phát triển, không thể có Dương mà không Âm, tương tự như ngôi nhà không thể chỉ có không gian mở, tươi vui, sáng sủa, giao tiếp tấp nập… mà không có chỗ đóng, tĩnh lặng, kín gió, riêng tư… Từ đặc tính Âm Dương đóng – mở này, triết lý về phân khu chức năng theo phương vị trong ngôi nhà truyền thống mang tinh thần trung dung: mọi sự trong đời nên theo cơ chế quân bình, có quy luật bù trừ mới tạo nên sự lành mạnh, bình ổn.

Biến tấu khác nhau của các kiểu che chắn cho khu vệ sinh thông với phòng ngủ bằng vách kính.

Như trên la bàn 24 phương vị tọa hướng của Bát Trạch có 12 sao tốt (như Phúc đức, Tấn tài, Vượng trang…) và 12 sao xấu (như Cô quả, Tự ải hay Tố tụng…) phân bố đan xen không đồng đều nhưng luôn có sự bù trừ theo kiểu trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Vì vậy mọi ngôi nhà đều có (tương đối) một nửa vị trí có thể sắp xếp các không gian chính, mang tính mở, Dương và Cát như Khai Môn (mở cửa chính), đặt bàn tiếp khách, bàn ăn, giường ngủ… và nửa còn lại là các vị trí mang tính đóng, Âm và Hung để Tác xí (đặt khu vệ sinh), nhà kho, hầm phân tự hoại… Chính vì vậy mà nếu đã chọn vị trí Cát để đặt các khu vệ sinh rồi thì đương nhiên sẽ “mất ưu tiên” cho các không gian Cát khác. Nhà dân gian Việt luôn thể hiện rõ tính Cát Hung này.

Lịch sử kiến trúc đã ghi nhận yếu tố khôn khéo trong sắp xếp không gian truyền thống khi điều kiện kinh tế và kỹ thuật còn rất nhiều hạn chế. Đó chính là “sự thông thái bản địa” của người xưa ở các địa phương khi làm những khu vệ sinh tách biệt khỏi nhà chính, nằm cuối hướng gió và chen lẫn giữa thiên nhiên để tránh ô nhiễm.

Dĩ nhiên ngày nay cách xử lý khu vệ sinh như kiểu “cầu cá, nhà phụ” xưa cũ không còn nữa, nhưng quan niệm về chọn vị trí trong tổng thể, bố trí vừa kín vừa hở để thông thoáng và tránh ảnh hưởng đến nhà chính… vẫn là giải pháp có ý nghĩa phong thủy và môi trường đáng lưu ý.

Đến xu hướng thời đại

Gần đây, những biến tấu về không gian khu vệ sinh như bố trí phòng tắm lộ thiên, resort hóa khu vệ sinh trong nhà ở, hay biến chốn giải quyết nhu cầu kín đáo “còn ta với nồng nàn” thành không gian mở thông suốt khiến không ít nhà gặp bất cập về sử dụng, trục trặc kỹ thuật và cả va chạm về quan điểm phong thủy. Thực tế thì công năng hay tiện ích có thể gia giảm, kỹ thuật cũng có thể khắc phục, nhưng quan điểm phong thủy thì luôn hàm chứa nhiều triết lý sống, biểu hiện văn hóa địa phương và cá nhân, nên không dễ thay đổi.

Kiểu bố trí khu vệ sinh như resort khá giao hòa với sân vườn chung quanh, nhưng nên cân nhắc khi áp dụng vào nhà ở đô thị vì quá thoáng mở.

Một ngôi nhà để ở lâu dài luôn có nhiều khu chức năng cần sắp xếp, khác với dạng công trình resort hay khách sạn mang tính lưu trú ngắn hạn, chỉ thuần phòng ngủ và khu vệ sinh, góc thư giãn, không hề có bếp núc, khu thờ cúng, tiếp khách hay góc học tập. Đây là khác biệt cơ bản mà nhiều gia chủ khi muốn áp dụng kiểu cách bố trí khu vệ sinh cao cấp, thoáng mở như dạng resort vào nhà phố phải chấp nhận hy sinh nhiều chức năng tiện ích khác, hoặc phải thuộc diện “nhà có điều kiện” về diện tích, không gian, kinh phí… thì mới làm được.

Bên cạnh đó, sự lạc hậu và thiếu thốn về tiện ích một thời gian dài khiến nhiều nhà khi xây mới chuyển sang thái độ “xõa cực đoan”, học tập một số mô hình bố trí không gian có cá tính, độc đáo, nhưng lại không tiêu biểu cho giải pháp không gian Việt, không tương thích môi trường khí hậu, tính chất ăn ở đặc trưng và cả môi trường xã hội nữa. Ví dụ như kiểu khu vệ sinh sát bên giường ngủ, khu vệ sinh mở cửa mái thông thiên, khu vệ sinh nằm ở lõi giữa nhà (có thể thấy đâu đó nơi xứ lạnh, phòng riêng người độc thân, hay trong công trình dịch vụ có người dọn rửa thường xuyên)…

Với nhà diện tích rộng, bố trí khu vệ sinh nhiều lớp có tách bạch khô – ướt, kín – hở khá thuận lợi.

Với đặc trưng nhà Việt nhiệt đới – nóng ẩm – gió mùa – mưa nhiều – ẩm cao – lắm bụi, một khu vệ sinh hợp lý hơn cả vẫn nên dung hòa các giải pháp đã được thực chứng từ xưa đến nay về môi trường và phong thủy. Xu hướng kiến trúc bền vững cũng không cổ xúy cho các bố trí tiêu tốn nhiều diện tích, năng lượng.

Nên kín đúng, hở vừa

Có thể thấy khu vệ sinh mở thoáng không phải là xu hướng thời thượng gì, cũng không hẳn là giải pháp khôn khéo hay bất lợi hoàn toàn về phong thủy. Điều cần quan tâm là tính hòa hợp với các không gian khác nhau trong nhà. Cần kín, thì phải đóng cho khéo, cần hở, hãy mở cho vừa, đó chính là cân bằng Âm Dương trong bố trí khu vệ sinh.

Nếu căn cứ theo các kiêng kỵ mang tính khoa học thì có thể lưu tâm các vấn đề sau:

– Tránh trực xung đối môn: xuất phát từ nguyên tắc dẫn truyền khí trong không gian, khi mở cửa thẳng hàng nhau sẽ gây nên các luồng khí hút mạnh, đưa bụi, tiếng ồn và các tác nhân xấu qua lại giữa các không gian. Khoảng cách giữa hai không gian càng gần, như hai phòng ngủ trong căn hộ chung cư có hành lang giữa, hoặc từ phòng vệ sinh đi qua phòng khác không có khoảng đệm, thì khi sử dụng sẽ gây ra trực xung đối môn, cần có biện pháp khắc phục.

Cách đơn giản là hạn chế ngay từ phần thô trong bố trí mặt bằng. Nhưng cũng có trường hợp không thể khắc phục, như căn hộ chung cư, hoặc thuê nhà xây sẵn mà không thể sửa được cửa, thì có thể dùng tường ngăn lửng, bình phong, tiểu cảnh cây xanh… đặt tiếp nối với không gian cần che chắn để giảm luồng khí xông thẳng trong di chuyển và nhìn ngó. Đây cũng là cách tránh trực xung vào người vừa mới từ phòng tắm bước ra, hoặc người cao tuổi đi vệ sinh vào đêm khuya gặp gió lùa rất nguy hiểm.

Khi diện tích cho phép thì từng chức năng trong khu vệ sinh có thể độc lập, giúp giảm tác động bất lợi qua lại.

– Tránh tác xí trung cung: về nguyên tắc định vị trung cung để phân chia cát hung, phần trung tâm của cuộc đất – ngôi nhà vốn thuộc hành Thổ (khắc Thủy, kỵ Thủy) luôn là nơi trang trọng và đòi hỏi sự cao ráo, sáng sủa trang nghiêm, là lý do khiến mọi ngôi nhà truyền thống đều đặt không gian tâm linh, thờ cúng, tiếp khách trang trọng ở vùng trung cung.

Nếu đặt khu vệ sinh, tắm rửa vào trung cung thì vừa làm hỏng Nội khí và tính Thổ đặc trưng, vừa bất lợi cho khu vệ sinh vì khó thông thoáng, dọn rửa, cũng như khiến quá trình sử dụng khu vệ sinh gây ảnh hưởng xấu đến không gian chung quanh.

Việc tạo không gian theo lớp với vách kính di động giúp phòng tắm nhà nhỏ có thể liên thông không gian mà vẫn chủ động trong đóng mở.

– Tránh liên thông bất lợi: khu vệ sinh hiện đại có nhiều công năng và tiện ích, vì vậy liên thông không gian đem lại thuận lợi về công năng và môi trường thì nên làm, như khu thay đồ – khu lavabo – khu tắm, hay từ chỗ ngủ qua khoảng đệm thay đồ rồi đến bàn lavabo. Nhưng các khu ướt và có mùi trong phòng vệ sinh thì nên liên thông ra ngoài nhờ cửa sổ, lam chớp, chứ không nên hướng vào trong.

Tương tự, khi cân nhắc khu vệ sinh có nên liên thông với khu bếp ăn, hay chỗ tiếp khách hay không, đa số giải pháp phong thủy phù hợp là đều tách biệt, nếu có thì cần thông qua khoảng đệm, hành lang. Thậm chí, một số nhà phố hiện đại gần đây đã đặt khu vệ sinh dưới tầng trệt tách biệt ra sân sau hay giếng trời, khi cần dùng thì đi ra bên ngoài không gian chính. Kiểu phòng vệ sinh dưới gầm thang giữa nhà bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là tình trạng Âm thịnh Dương suy, khó thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên.

Khoảng giếng trời có nắng trực tiếp vừa giúp thoáng sáng vừa tạo khoảng đệm tốt cho phòng vệ sinh với phòng ngủ.

Trong điều kiện căn hộ chung cư, hầu như khó có thể bố trí khu vệ sinh thoải mái vì các khống chế về diện tích và cơ cấu chung. Giải pháp tránh các bất lợi phong thủy là dùng bình phong, khoảng đệm, đưa lavabo ra ngoài khoảng chung, tách khu ướt bằng vách kính…

Về nguyên tắc cân bằng Âm Dương, các khu vệ sinh, bếp hoặc kho tuy thuộc vùng Hung và Âm cần đặt nơi kín đáo nhưng vẫn phải trổ cửa đối lưu được với không khí bên ngoài chứ không thể đóng hoàn toàn. Hệ thống kỹ thuật tốt có thể giúp khu vệ sinh thông thoáng bằng quạt hút lên trần, vào hộp gen, nhưng ánh sáng Dương quang trực tiếp chiếu vào phòng tắm vẫn cần thiết giúp khô ráo sáng sủa, giảm trừ ẩm thấp tốt hơn.

Việc mở cửa đón Dương quang bên ngoài rất quan trọng giúp giảm Âm tăng Dương cho phòng tắm.

Không thể có một không gian sống tốt về phong thủy nếu không bắt đầu từ cách thức tổ chức môi trường và các quan hệ giữa ngôi nhà và cảnh quan chung quanh. Những kiêng kỵ phong thủy sẽ không còn là e ngại khi được hiểu đúng và xử lý đầy đủ để chốn cư ngụ ngày càng trở nên an lành, hợp lý và hữu dụng hơn.

ThS.KTS hà Anh Tuấn – Ảnh: Xuân Trang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/am-duong-cua-khu-ve-sinh-hien-dai-21942.html