Ám ảnh tột độ bên hiện trường nổ lò hơi gây chấn động
Những vụ tai nạn lao động thương tâm, nhất là nổ lò hơi, đã khiến nhiều người ám ảnh khi nhắc đến
Liên quan đến vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH LC Buffalo (chuyên sản xuất dầu điều - địa chỉ tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vào ngày 5-8 khiến anh Nguyễn Văn Tú (42 tuổi, ở Bình Phước) và Nguyễn Văn Thùy (32 tuổi, ở Quảng Bình) thiệt mạng, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước và các đơn vị chức năng của tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Đồng Phú đã đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ ban đầu cho gia đình 2 nạn nhân bị thiệt mạng.
Những con số giật mình
Chưa hết bàng hoàng, chị T., công nhân Công ty Buffalo kể lại sáng 5-8, khi chị và nhiều công nhân khác đang làm việc trong công ty thì nghe tiếng nổ lớn ở khu vực có lò hơi, sau đó ngọn lửa bùng cháy. Trong tích tắc lửa và khói đã bao trùm toàn bộ khu vực nhà xưởng công ty, một số công nhân đã dùng vật dụng tại chỗ và nước đến dập lửa nhưng bất lực. Thời điểm này, có anh T.C. Đ. (SN 1993) đã liều mình lao vào đám cháy để ứng cứu đồng nghiệp rồi bị ngạt khói nhưng may mắn được lực lượng cứu ra ngoài rồi chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
"Khi tôi chạy thoát ra ngoài thì lực lượng chữa cháy đến hiện trường"- chị T. kể. Một người phụ nữ khác cho biết thời điểm cháy trong công ty có gần 70 công nhân đang làm việc. Nghe tiếng nổ đinh tai nhức óc kèm theo cháy, chị và mọi người hô hoán cùng nhau bỏ chạy ra ngoài.
Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Phước, cho biết tính đến ngày 6-8, toàn tỉnh Bình Phước xảy ra 14 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, trong đó có 12 vụ TNLĐ làm chết người, vụ TNLĐ tại Công ty Buffalo là nghiêm trọng nhất.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, cho hay từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ TNLĐ, tăng 2 vụ so với cùng kỳ, trong đó TNLĐ trong lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 76%. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 doanh nghiệp với tổng số tiền là gần 300 triệu đồng.
Điểm lại các vụ TNLĐ tại Bình Dương, có thể thấy, số vụ xảy ra ở các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ chiếm tỉ lệ nhiều nhất, chủ yếu là do bị máy cuốn, bồn chứa bụi gỗ bốc cháy… Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc một công ty gỗ ở Bình Dương, cho biết thường các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ phải có bồn chứa bụi gỗ, trong quá trình gặp ma sát bụi gỗ dễ bị âm ỉ cháy, trường hợp này nếu phát hiện có khói, công nhân phải dùng nước dập lửa trong bồn trước, không mở khóa bồn để trút bột gỗ xuống, vì lúc này khối lượng bột gỗ lớn nếu ào xuống cùng lúc gặp không khí bên ngoài lửa sẽ bùng lên rất nhanh, công nhân dù đứng xa cũng rất dễ bị lửa táp trúng, gây ra bỏng nặng.
Còn theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, số vụ TNLĐ tại địa phương này là 195 vụ, số người bị nạn là 205 người. Trong đó, có 25 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 30 người. Vụ nổ lò hơi tại huyện Vĩnh Cửu làm 6 người chết, 5 người bị thương nặng là vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng. Vụ việc này, mỗi khi nhắc đến, những người có mặt tại hiện trường đều chia sẻ về nỗi ám ảnh của bản thân.
Vụ nổ này, bước đầu xác định 52% do lỗi người sử dụng lao động thiếu biện pháp, quy trình làm việc an toàn, máy móc, thiết bị chưa đảm bảo an toàn, 20% do lỗi người lao động như vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn do người sử dụng lao động ban hành và 28% là do nguyên nhân khác.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Để phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, đặc biệt là nổ lò hơi, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai đã đề nghị UBND các huyện, thành phố thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành những quy định về an toàn, vệ sinh lao động khi thuê mướn lao động thực hiện công việc thuộc các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng. Đặc biệt với các cơ sở, hộ gia đình đang sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như nồi hơi, bình chứa, không khí nén. Kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về ATLĐ.
Đồng thời đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hình sự đối với các trường hợp vi phạm về ATLĐ nghiêm trọng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên cho biết ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, huấn luyện và hướng dẫn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát ở các lĩnh vực, khu vực có nguy cơ, rủi ro cao về ATLĐ, Sở còn đề nghị phải xây dựng và thực hiện đầy đủ những nội dung kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
"Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hộ lao động đối với người lao động. Đầu tư kinh phí cải thiện môi trường làm việc, phòng tránh TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra, đánh giá an toàn với máy móc, thiết bị để có biện pháp kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót"- ông Tuyên nói.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đã giao Sở Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp Sở LĐ-TB-XH kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp trong công tác quản lý, quy trình sản xuất công nghiệp, vận hành, bảo dưỡng, sữa chữa lò hơi, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra rà soát, kiểm tra chuyên đề về bảo quản, vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nói chung và thiết bị áp lực nói riêng như nồi hơi, bình chứa khí nén, nồi gia nhiệt, hệ thống lạnh…