Albert Einstein và 'thuyết tương đối' về sự thật trong thời hiện đại

Thông tin sai lệch đang được xem như vấn đề lớn của thời đại. Tuy nhiên, ngay từ thời của Albert Einstein hay xa xưa hơn nữa, những câu chuyện đặt điều, nói xấu hay xuyên tạc đã được xem như một vấn đề cố hữu trong đời sống thường nhật của con người.

Vấn đề chỉ là khi thế giới bước vào thời đại kỹ thuật số, thời đại mạng xã hội, “thói xấu” này mới thực sự nghiêm trọng và đáng báo động ở mức độ toàn cầu mà thôi.

Khi “Nhân vật thế kỷ” cũng bị nói xấu, xuyên tạc

Một thập kỷ trước, Ivanka Trump từng trích dẫn nhà thiên tài Albert Einstein, nói rằng: “Nếu thực tế không phù hợp với lý thuyết, hãy thay đổi thực tế”. Tuy nhiên, thực tế là nhà bác học vĩ đại nhất thế kỷ 20 này chưa bao giờ nói thế. Rất ít người chú ý đến dòng tweet đó cho đến khi chính Einstein như “từ cõi chết trở về” đã sửa sai cho cô.

Albert Einstein từng là mục tiêu của những thông tin sai lệch trong quá khứ. Ảnh: GI

Hiển nhiên, Einstein không thể sống dậy để đăng dòng trạng thái trên Twitter cách đây gần một thập kỷ đó, mà là do tài khoản “tích xanh” mang tên Albert Einstein có tới 20 triệu người theo dõi được quản lý bởi một nhóm các học giả ngưỡng mộ ông bác bỏ tuyên bố trên của cô con gái của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thực ra, đương thời Einstein vốn dĩ thường xuyên trở thành mục tiêu của những bị thông tin sai lệch, giống như những gì đang phổ biến trên các mạng xã hội. Vào năm 1920, các nhà khoa học coi Einstein là một kẻ lập dị. Những lời phê bình của họ thường mang tính chất bài Do Thái. Trong thời đại đó, các thông tin lan truyền tương đối chậm, với mức độ phổ biến thường bị giới hạn bởi địa lý hoặc ngôn ngữ.

Nhà bác học Einstein cảm thấy khó chịu vì toàn bộ những vấn đề này. Nhưng vì tò mò, ông đã đến dự một sự kiện phản đối thuyết tương đối tại Berlin, nơi ông thấy những tờ rơi chống Einstein đang được phát tán. Không ai biết ông ở đó. Điều đó khiến ông cảm thấy buồn cười, khi những người phản đối ông lại không thể nhận ra ông.

Như vậy, từ cổ chí kim, luôn có những kẻ muốn xuyên tạc mọi thứ, muốn nói xấu hoặc thậm chí vu cáo một ai đó, một sự kiện nào đó để thỏa mãn cho cái tôi vị kỷ, dù chẳng hề biết gì về những thứ mà họ đang phỉ báng, như trường hợp kể trên của Einstein. Họ thậm chí còn chẳng biết mặt ông! Và giờ khi thời đại kỹ thuật số, thời đại mạng xã hội lên ngôi, vấn nạn đó khủng khiếp thế nào thì ai cũng đã biết.

Matthew Stanley, nhà sử học về khoa học và triết học khoa học tại Đại học New York, đồng thời là tác giả cuốn sách về những lời vu cáo, đưa tin sai lệch về Einstein trong quá khứ, từng chia sẻ: “Ông ấy nghĩ rằng những người này thực ra không nguy hiểm lắm vì họ quá ngu ngốc và quá kém hiểu biết thuyết tương đối. Ông ấy nghĩ tất cả đều hơi lố bịch”. Có lẽ chúng ta ngày nay cũng nên coi những kẻ nói xấu, xuyên tạc và đặt điều cho mình hoặc cho ai đó trên mạng xã hội cũng chỉ là những kẻ “lố bịch” hoặc “ngu ngốc” mà thôi.

Trở lại với câu chuyện của Einstein. Đến năm 1933, khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, có hai dạng thông tin sai lệch về Einstein đã lan truyền công khai và rộng rãi hơn nhiều: Một là khẳng định rằng thuyết tương đối của ông hoàn toàn sai, là một mối đe dọa “rất lớn đối với nền tảng của kiến thức nhân loại”. Tin sai lệch còn lại là Einstein đã đánh cắp ý tưởng từ các nhà khoa học người Đức và Áo khác. Giống như những người Do Thái nổi tiếng, Einstein bị coi là kẻ thù của Đức Quốc xã và người ta đồn rằng ông bị truy nã khắp nơi.

Nhưng, sự thật là Einstein hầu như đều nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt ở những nơi ông đến. Bà Carolyn Abraham, tác giả cuốn sách “Sở hữu thiên tài”, viết rằng các phóng viên sẽ vội vã lên tàu của ông bất cứ khi nào nó cập bến, đến nỗi một số đã rơi xuống biển. Trong hai thập kỷ cuối đời, ông là một trong những nhân vật được công chúng kính trọng nhất trên thế giới. Tạp chí Time vinh danh ông là “Nhân vật của thế kỷ” vào năm 1999.

“Tìm kiếm sự thật là đức tính tốt đẹp của con người”

Dẫu sao, việc bác bỏ thông tin sai lệch, tin giả xưa kia dễ hơn giờ rất nhiều. Cụ thể hơn, sự đồng thuận xung quanh các nhân vật trung tâm, sự thừa nhận một thiên tài trí tuệ như Einstein, đã không còn được thấy trong thế giới hiện đại. Chúng ta không còn quây quần bên tivi vào buổi tối để xem tin tức. Giờ đây, chúng ta bị thu hút đến những nền tảng số, nơi tin tức được các cá nhân chia sẻ và những người có ảnh hưởng trên TikTok cho chúng ta lời khuyên, thao túng tâm lý ta về mọi thứ.

Giờ ai cũng biết rằng ngay cả một người “tuyệt vời” nhất trên thế giới này, như Einstein chẳng hạn, cũng ít nhiều sẽ chịu những bình luận miệt thị vô căn cứ trên mạng xã hội. Niềm tin của con người vì thế ngày một vơi dần. Chúng ta đang thiếu niềm tin tột độ ở bất kỳ người nào, từ chính trị gia, người nổi tiếng cho đến những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Einstein đã dạy rằng thời gian có tính chất tương đối tùy thuộc vào hệ quy chiếu của bạn. Phải chăng bản thân sự thật cũng đã trở thành tương đối? Einstein không chỉ là biểu tượng của trí thông minh tuyệt đỉnh của nhân loại, mà trong môi trường thế giới phân cực hiện nay, đôi khi có vẻ như ông ấy có thể là chuyên gia cuối cùng mà tất cả chúng ta có thể cùng nhất trí, dù ông đã mất cách đây hơn 2/3 thế kỷ (1955).

Internet đã mang đến cho chúng ta những bộ phim trực tuyến và khả năng giữ liên lạc với những người bạn ở xa, nhưng nó cũng sinh ra những bảng tin tràn ngập thông tin sai lệch, thuyết âm mưu và các dẫn chứng khoa học không có thật.

Dòng trạng thái trên Twitter (giờ là X) của tài khoản Albert Einstein nhằm bác bỏ tuyên bố sai lệch của Ivanka Trump. Ảnh: X/Twitter

Những người từ chối bầu cử và những người chống việc tiêm vắc xin giờ đây có thể dễ dàng tìm thấy những người có quan điểm tương đồng, trong thế giới của mạng xã hội và càng giúp khuếch đại các quan điểm đó. Họ tranh cử, đưa ra những quan điểm cực đoan, và đôi khi họ giành chiến thắng.

Einstein, người suốt đời bị thúc đẩy bởi sự tò mò muốn khám phá sự thật về vũ trụ của chúng ta, sẽ nghĩ gì về cuộc khủng hoảng thông tin sai lệch mà mạng xã hội đã góp phần gây ra? Chắc chắn ông ấy sẽ không cảm thấy thoải mái với vô số tin tức sai lệch và những dòng bình luận kích động, cũng như việc nhiều người đang tự xưng là các chuyên gia trong mọi lĩnh vực.

Nếu Einstein vẫn còn sống thì ông, người nổi tiếng với những câu nói vui vẻ, có thể sẽ đăng một dòng tweet súc tích để đáp lại những người phủ nhận khoa học, những người vẫn còn mù quáng đi theo chủ nghĩa Trái đất phẳng. Dòng tweet đó có thể sẽ là: “Việc tìm kiếm sự thật và kiến thức là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Mặc dù nó thường được lên tiếng lớn nhất bởi những người ít phấn đấu nhất”.

Vâng, Einstein thực sự đã từng nói ra điều đó!

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/albert-einstein-va-thuyet-tuong-doi-ve-su-that-trong-thoi-hien-dai-post278847.html