Ai đi săn áng mây trời?

Chúng ta chú tâm đến một bức ảnh đến độ quên tận hưởng cái thiên nhiên ban sơ hùng vĩ, và những đám mây muôn đời tự tại lướt đi, qua bao sự đổi thay của khung cảnh.

Lâu rồi kể từ ngày rời ghế nhà trường cho nên không biết Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long có còn trong sách giáo khoa hay không. Nhưng mỗi lần nghĩ đến hắn tôi lại nghĩ đến truyện ngắn ấy, cái hình ảnh một người dưới xuôi rũ bỏ phố lên tận đỉnh trời hiu quạnh. Nhớ hắn và nhờ hắn tôi mới biết đến một nơi là Tà Xùa.

Nằm ở tỉnh Sơn La cách Hà Nội hơn hai trăm cây số, Tà Xùa vài năm trước vẫn còn là một vương quốc mây bí ẩn trước khi những Sống lưng Khủng long, Mũi Cá heo, Cây Cô đơn trở thành những địa điểm du lịch và lữ khách từ khắp miền đổ về phá vỡ cái tịch lặng ngàn năm của miền non cao xứ Bắc Yên nọ.

Mũi Cá heo tịch lặng ngàn năm của miền non cao Tà Xùa. Ảnh: Long Nguyễn

Bây giờ cần thành thật, nếu độc giả chịu khó tìm kiếm trong đám đông “thợ săn” kéo về Tà Xùa ấy hẳn sẽ bắt gặp tôi. Vì sao gọi là “thợ săn”? Bởi đa phần những du khách trẻ (và cả không còn trẻ mấy) muốn tìm đến Tà Xùa để “săn mây”.

Mây. Thứ có rất nhiều ở Tà Xùa, mây sớm, mây trưa, mây đêm, những áng mây trời thong dong trên không, những áng mây lòa xòa quét qua những lối mòn quanh co trên những quả đồi, và có cả những áng mây cố lẻn qua khe cửa hẹp nhà sàn để tò mò ngắm nhìn loài người đang quây quần bên bếp lửa.

Và như loài thỏ trắng vốn rất nhiều trên đồng cỏ, mây Tà Xùa cũng phải chịu cảnh bị săn khi đến mùa. Khí giới của thợ săn mây cũng đa dạng nhưng cơ bản thì chỉ cần một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh là được.

Mây nhiều nhưng không phải dễ săn ngay cả khi bạn đang ở trong xứ mây. Khi nhiều sương quá che mất tầm nhìn hoặc giả mặt trời quá rực làm mây tan đi sớm, cũng có khi chỉ vì những đám mây thích trêu đùa, giấu mình sau dải đồi, chờ bác thợ săn lơ là mới xuất hiện rồi trôi đi rất nhanh.

Sương. Nhiều lắm sương mù. Khởi hành từ Hà Nội, chiếc xe khách hiên ngang hướng về vùng cao, từng màn sương bị xé toạc để cho thứ cơ giới máy móc dấn thân vào, nhưng rồi cuối cùng máy móc vẫn bị một thế lực thiên nhiên án ngữ, bắt đầu đi chậm dần, chậm dần, đến khi không thể nhích lên nữa. Sương quá dày, kề bên là vực thẳm, đi nữa rất mạo hiểm. Vậy là bác tài, anh lơ cùng hành khách ngủ lại trên xe chờ sương tan bớt rồi đi tiếp.

Cây Cô đơn trên Tà Xùa liệu còn cô đơn nếu ngày nào cũng có cả trăm người xếp hàng đợi chụp hình? Ảnh: Thùy Dương

Mở bản đồ lên xem, thấy chỉ còn cách trung tâm Tà Xùa chừng vài cây số nữa, chỉ vài cây số mà sương mù làm cho xa đến vô cùng. Chợt nhớ truyện Làng gần nhất của Kafka - gần nhất đấy, nhưng mất cả đời cũng không đến được.

Như kỳ thực chuyến đi lên Tà Xùa này cốt yếu là để thăm hắn. Mà hắn thì như thơ Nguyễn Bính.

Xưa anh là kẻ nghiện sông hồ
Đây, đó, lan dài gót lãng du
Về chẳng có kỳ, đi chẳng hẹn
Như mây mùa thu, lá mùa thu.

Anh đến Hà Nội đêm hôm trước
Anh xa Hà Nội sáng hôm sau
Bạn bè nhớ tới anh, thường nhắc:
- “Không biết bây giờ hắn ở đâu?”

Tôi gặp hắn lần đầu ở Hà Nội cách đây đã nhiều năm. Bỗng một ngày nghe bạn bè kháo nhau hắn lên Tà Xùa ở hẳn, đã dựng nhà dựng cửa. Mấy năm không gặp, mấy năm dịch, lần này coi như lên thăm bạn. Đêm lại quây quần bên bếp lửa, một cái chảo gang chắc từng dùng để sao trà biến thành cái hỏa lò sưởi ấm, kiêm bếp, kiêm luôn thùng rác vì hắn cho mọi thứ không dùng vào đấy, đốt đi.

Lại ôn đôi ba chuyện cũ, những đêm “hai người điên giữa kinh thành Hà Nội”, lang thang lên cầu Long Biên, hay đứng tần ngần nhìn Tháp Rùa, cũng có khi túm tụm lên một cái gác xép, uống hết mấy tuần trà nói chuyện thâu đêm.

Nhắc lại mà thấy xa lắm, không níu giữ được. Trong mấy năm không gặp ấy, có nhiều người đi, đi mãi không về.

Chỉ còn con mèo trắng đi trên cột nhà, phóng xuống thu mình ngồi bên bếp lửa. Cái con mèo già đến mức thành yêu quái chẳng sợ người nữa. Cũng có thể coi nó là cố tri. Ngày xưa nó là mèo phố thị giữ cái “gác văn chương”, giờ theo chủ lên núi thành sơn miêu sớm sớm ra khều mây sà vào sàn.

Mà mây thì ở đây chẳng thiếu, tối đến chẳng có đèn, mặt trời sụp bóng thì ngại ra đường vì mình lẫn với mây. Vậy mà lúc cần lại chẳng thấy đâu, tội cho mấy thợ săn đổ đường lên đây cố bắt được một khoảnh khắc. Cho nên nhiều người nói vui, săn mây ở Tà Xùa là một bài kiểm tra nhân phẩm. Ngồi ở quán cà phê nhìn xuống thung lũng, có anh bảo tôi rằng anh đã đi tám lần nhưng lần này mới săn được mây. Những áng mây lững thững bay trên thung lũng. Những du khách tạo dáng, đặt chân máy, canh góc chụp…

Susan Sontag - tác giả của Bàn về nhiếp ảnh từng viết: “Ngày nay mọi thứ tồn tại để kết thúc trong một bức ảnh”. Cũng đúng nhỉ? Những thợ săn mây không muốn chỉ là người chứng kiến một khoảnh khắc hiếm hoi, mà họ muốn “bắt” được nó, “giam” nó trong những bức hình những đoạn clip, rồi đây cũng nổi trôi trên mạng, chờ đợi được thả tim. Chúng ta chú tâm đến một bức ảnh đến độ quên tận hưởng cái thiên nhiên ban sơ hùng vĩ, và những đám mây muôn đời tự tại lướt đi, qua bao sự đổi thay của khung cảnh. “Những bức ảnh là một cách giam cầm hiện thực... Người ta không thể sở hữu thực tại, người ta có thể sở hữu hình ảnh - người ta không thể sở hữu hiện tại nhưng người ta có thể sở hữu quá khứ” - lại là Susan Sontag.

Săn mây trên ngọn núi được ví Sống lưng Khủng long của Tà Xùa. Ảnh: CTV

Bởi vì hiện tại trôi qua rất nhanh còn quá khứ thì đầy ứ. Như một biển mây xuất hiện chóng vánh chỉ dành cho thợ săn mây nào biết kiên nhẫn đợi chờ và nhanh nhạy nắm bắt. Vì mọi thứ sẽ trôi qua, mọi thứ sẽ thay đổi. Cây Cô đơn liệu còn cô đơn không nếu ngày nào cũng có cả trăm người xếp hàng đợi chụp hình với nó. Mây thì chắc không sợ rồi, dẫu có bị săn bắt thế nào thì nó cũng không bao giờ “tuyệt chủng”.

Tôi tưởng tượng hắn cũng là gã thợ săn như bao gã thợ săn trong chuyện xưa tích cũ, chán ghét phố hội mà bỏ lên sơn lâm đốn củi, đốt than, săn bắt mà sống. Thời thế thay đổi, hắn không cần đốn củi, đốt than, cũng không cần săn bắt vì muốn gì thì cứ ra tạp hóa mà mua. Còn cái con mèo trắng khỏe mạnh và dai dẳng hơn rất nhiều con người này, liệu chăng có phải là một áng mây bị săn đến thương tích, một ngày nọ mò tìm đến cái nhà sàn hóa mèo như trong chuyện cổ tích.

Tôi định nói với hắn, nhưng bị tiếng hát karaoke loa thùng từ mấy nhà nghỉ trong vùng phá ngang. Con người đã đến rồi đấy những đám mây à! Ngồi ở quán, không lúc nào dứt nghe tiếng khoan, hàn, cưa, đục. Khách sạn được xây, nhà hàng được xây. Sương mù cũng vẩn đục bởi khói xe hơi, xe khách, người ta nói, cười, chen chúc nhau chụp ảnh. Những đám mây không còn tận hưởng sự cô độc nữa.

Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra cái từ “săn mây”, chúng đang tự do đến thế kia. Mà cũng ngộ, có người nghĩ mình săn được một áng mây trời!?

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ai-di-san-ang-may-troi-38592.html