9 bộ phim mà các tín đồ thời trang không thể bỏ lỡ

Ngành công nghiệp thời trang vốn được biết đến với vẻ hào nhoáng lộng lẫy, tuy nhiên khi vén bức màn ấy lại là những mặt sáng góc tối khác nhau. Dưới đây là những bộ phim dành riêng cho những ai trót si mê, yêu thích thời trang.

“Funny Face” (1957) là bộ phim hài lãng mạn được lấy cảm hứng từ cuộc đời của nhà quay phim Richard Avendon. Audrey vào vai Jo Stockton, nhân viên của một hiệu sách ở Greenwich Village. Jo vô tình lọt vào ống kính của chàng nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng Dick Avery rồi trở thành người mẫu. Những màn khiêu vũ đẹp mắt, giai điệu mượt mà và cả những trang phục lộng lẫy do Audrey Hepburn khoác lên mình đã khiến “Funny Face” trở thành một bộ phim về thời trang nổi tiếng nhất mọi thời đại.

“Blow-Up” (1966) được lấy cảm hứng từ một truyện ngắn của nhà văn Tây Ban Nha Julio Cortázar, David Hemmings trong vai một nhiếp ảnh gia thời trang sành điệu, thành công nhưng buồn chán và hư vô. Trong khi đi lang thang qua một công viên, anh ấy chụp ảnh một phụ nữ trẻ (Vanessa Redgrave) và người yêu của cô ấy. Khi phát triển các bức ảnh, anh ta phát hiện ra rằng anh ta có thể đã ghi lại một vụ giết người đang diễn ra.

Bộ phim của đạo diễn Robert Altman dường như muốn châm biếm ngành công nghiệp thời trang xa xỉ lấp lánh nhưng nó cũng ẩn chứa nhiều góc khuất. Prêt-à-Porter (1994) quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Julia Roberts, Sophia Loren và Lauren Bacall, tất cả những tín đồ thời trang của Tuần lễ thời trang Paris, giữa cái chết bí ẩn của Olivier de la Fontaine.

Ngày 22 tháng 06 năm 2006, giới thời trang Mỹ và sau đó là cả thế giới vỡ òa với một tác phẩm điện ảnh – “The devil wears Prada”. Không chỉ cuốn hút người xem với những trang phục lộng lẫy, những bối cảnh thời trang hào nhoáng, The devil wears Prada còn mở ra cho khán giả đại chúng một góc nhìn trần trụi, gai góc hơn về sự đánh đổi và truy cầu danh vọng trong ngành công nghiệp này.

“Valentino: The Last Emperor” (2008) là bộ phim tài liệu kể về cuộc đời của “ông hoàng Haute Couture” Valentino Garavani, do Matt Tyrnauer sản xuất và đạo diễn. Các nhà làm phim đã ghi lại 250 giờ theo chân Valentino Garavani, khám phá thế giới kỳ lạ của một trong những người đàn ông nổi tiếng nhất nước Ý, từ sự nghiệp, cuộc đời cho đến những ảnh hưởng đến ngành thời trang. Phim kể về mối quan hệ giữa Valentino với đối tác kinh doanh, đồng thời cũng là người tình 50 năm, Giancarlo Giammetti.

Nhắc đến Coco Chanel, cả thế giới đều biết đến như là một tượng đài bất tử của ngành thời trang. Bộ phim “CoCo Before Chanel” (2009) bên cạnh việc tái hiện lại những tháng năm đầu đời đầy khốn khó, từ lúc rời khỏi trại trẻ mồ côi đến khi thành lập thương hiệu thời trang mang tên mình của nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp Gabrielle “Coco” Chanel, “hút hồn” khán giả bằng những bộ trang phục đơn giản nhưng đầy tinh tế, nhằm tái hiện lại những thiết kế tuyệt vời của Coco Chanel do chính nhà thiết kế phục trang nổi tiếng Catherine Leterrier đảm nhiệm.

Phim tài liệu The First Monday in May ra rạp năm 2016 với nội dung phim xoay quanh lời bộc bạch của tổng biên tập tạp chí Vogue, Anna Wintour. Phim tập trung vào quá trình tổ chức dạ tiệc thời trang Met Gala mang tên “Trung Quốc: Thông qua lăng kính” do tạp chí Vogue tổ chức. Bên cạnh những thiết kế xa hoa, không khí trang trọng và những gương mặt nổi tiếng trên thảm đỏ, bộ phim còn mang lại những hình ảnh độc quyền ở hậu trường: sự căng thẳng, lo âu và hợp sức của cả một ê-kíp để tạo nên một sự kiện đáng nhớ của thế giới thời trang.

Tác phẩm The Neon Demon (2016) thuộc thể loại tâm lý - kinh dị của đạo diễn Nicolas Winding Refn lần này có cốt truyện không mấy mới mẻ nhưng không sáo mòn: một cô gái quê tìm cơ hội được tỏa sáng ở New York, và sự hào nhoáng của cuộc sống phù hoa đã thay đổi con người cô. Elle Fanning cùng dàn diễn viên chính là những nhân tố quan trọng mang đến luồng cảm xúc rất mới mẻ cho phim.

Cruella là bản live action về phần tiền truyện của một trong những nhân vật phản diện mang tính biểu tượng, huyền thoại Cruella de Vil. “Cruella” lấy bối cảnh ở London những năm 1970 theo chân cô lao công Estella với quyết tâm làm nên tên tuổi từ những thiết kế của mình. Cô kết giao với 2 kẻ trộm và họ cùng nhau gây dựng tên tuổi ở khu phố London. Với sự nhạy bén về thời trang, Estella đã lọt vào mắt xanh của bà Nam tước von Hallman. Nhưng mối quan hệ của họ dẫn đến những sự kiện và khiến Estella bước vào con đường để trở thành một người đậm chất thời trang nhưng tàn ác và đầy lòng hận thù - Cruella.

Duy Chung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/9-bo-phim-ma-cac-tin-do-thoi-trang-khong-the-bo-lo-post167495.html