6 tháng đầu năm, VEAM đạt lợi nhuận 6.200 tỷ đồng
Đây là con số được công bố tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), diễn ra chiều ngày 25/7, tại Hà Nội.
Mặc dù chưa có báo cáo tài chính chính thức, kết quả được công bố tại hội nghị phần nào phản ánh tín hiệu lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm của công ty mẹ cũng như các công ty con.
Theo kết quả công bố, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của VEAM đạt 270 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 23% so với kế hoạch cả năm 2019 đề ra, doanh thu tài chính là 6.476 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 89% kế hoạch cả năm 2019 đề ra, lợi nhuận sau thuế đạt 6.200 tỷ đồng, vượt 21% so với cùng kỳ và đạt 97% so với kế hoạch năm 2019. Kết quả lợi nhuận tốt đến từ các công ty liên doanh, liên kết như: Honda, Toyota và liên doanh với DISOCO.
Nhóm 4 công ty DISOCO, SVEAM, FUTU1 và FOMECO vẫn đóng vai trò dẫn dắt trong nhóm các công ty có vốn VEAM (trừ liên doanh Honda và Toyota) khi chiếm 89% doanh thu sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp thấp là do tình trạng khó khăn trong hoạt động của nhiều công ty dẫn đến các công ty này tiếp tục bị lỗ trong 6 tháng đầu năm như: SVEAM, Cơ khí Trần Hưng Đạo, TAMAC, NAKYCO, Cơ khí Vinh.
Theo ông Ngô Văn Tuyển - quyền Tổng giám đốc VEAM - cho biết: “Nguyên nhân chính là do các công ty khi đầu tư nhưng không khai thác được năng lực đầu tư, không tăng được doanh thu tương ứng đã làm tăng gánh nặng khấu hao như: Cơ khí Trần Hưng Đạo, SVEAM. Trong đó trường hợp SVEAM còn bị tăng thêm khoảng 98 tỷ đồng giá trị tài sản cố định khi xác định giá trị cổ phần hóa”.
Trong khi đó các công ty như: NAKYO và Cơ khí Vinh khi di dời xây lại nhà xưởng đã làm tăng gánh nặng khấu hao nhưng chưa có phương hướng hoạt động rõ ràng. Một số công ty lại gặp khó khăn tiềm tàng do không vay được vốn ngân hàng để hoạt động và nhiều khoản chi phí chưa được phân bổ do không khai thác được dự án đầu tư như MATEXIM.
Tại thị trường trong nước, các sản phẩm máy nông nghiệp tiêu thụ chậm lại do phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của Trung Quốc, tình hình tiêu thụ ô tô cũng không khả quan hơn khi mức tiêu thụ 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 10.990 xe, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 6.019 xe.
Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu lại có tín hiệu mừng khi sản phẩm máy kéo 2 bánh tăng trưởng mạnh, tuy nhiên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với sự đóng góp mạnh mẽ từ các doanh nghiệp như: FOMECO (6,5 triệu USD), SVEAM (4,8 triệu USD), Đúc VEAM (3,2 triệu USD), DISOCO (2,4 triệu USD) và FUTU1 đạt 1,2 triệu USD.
6 tháng cuối năm được dự báo sẽ thuận lợi hơn cho công ty mẹ và các công ty con khi tình hình kinh tế vĩ môn khá ổn định trong khi một số chỉ tiêu của công ty mẹ liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính ngắn và dài hạn đạt hiệu quả cao và trong 6 tháng đầu năm đã gần đạt được mục tiêu của cả năm. Khó khăn lớn vẫn là tìm hướng tiêu thụ cho các sản phẩm ô tô tiêu chuẩn khí thải Euro2 vẫn còn tồn đọng tại chi nhánh nhà máy ô tô. Bên cạnh đó chính sách thuế đối với sản phẩm máy nông nghiệp tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu trong nước nhưng không được giải quyết. Công tác chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE vẫn đang được tiến hành theo đúng kế hoạch cũng như hoàn chỉnh đề án, kế hoạch tái cơ cấu công ty mẹ và công ty con.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/6-thang-dau-nam-veam-dat-loi-nhuan-6200-ty-dong-122905.html