5 thói quen xấu bố mẹ cần uốn nắn trước khi trẻ lên 6 tuổi kẻo ảnh hưởng đến cả tương lai về sau

0 - 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ hình thành thói quen. Nếu cứ để trẻ phát triển tự nhiên với các thói quen xấu, qua giai đoạn này, trẻ sẽ khó thay đổi.

Nhiều cha mẹ chưa thực sự chú trọng đến việc hình thành những thói quen tốt cho trẻ. Trên thực tế, không phải chỉ số IQ làm tăng khoảng cách giữa những đứa trẻ mà là những thói quen tốt mới khiến chúng cách biệt nhau.

Trái ngược với quan điểm "trẻ con thì biết gì", có một số thói quen xấu nếu không sửa chữa kịp thời ngay từ khi trẻ còn nhỏ sẽ làm "ô nhiễm" tâm hồn chúng, kìm hãm tài năng và trở thành điểm yếu trong tính cách 1 đứa trẻ, có thể tác động tiêu cực đến cả cuộc đời chúng.

1. Xem tivi thỏa thích, đam mê trò chơi điện tử

Ngày nay, tivi kết nối internet, máy tính bảng, điện thoại thông minh càng trở nên hấp dẫn trẻ em bởi thế giới mạng phong phú với game, phim hoạt hình, các clip dành cho trẻ. Nếu bố mẹ không kiểm soát, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu là thích xem tivi, điện thoại thỏa thích suốt cả ngày, "nghiện" các trò chơi điện tử từ sớm.

Xem tivi, điện thoại nhiều tác động lớn đến khả năng tập trung của trẻ (Ảnh minh họa).

Xem tivi, điện thoại nhiều tác động lớn đến khả năng tập trung của trẻ (Ảnh minh họa).

"Nghiện" tivi, điện thoại không chỉ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe của trẻ mà còn làm suy giảm nghiêm trọng khả năng tập trung, khiến trẻ khó tập trung khi làm việc khác. "Nghiện" càng sớm thì nó tác động càng lớn đến khả năng tập trung của trẻ.

Cha mẹ nên trì hoãn độ tuổi trẻ bắt đầu tiếp xúc với màn hình điện tử càng muộn thì càng có lợi cho trẻ. Cố gắng khơi gợi sự hứng thú của trẻ với các hoạt động khác như đọc sách, chơi trò chơi, đi ra ngoài...

2. Cha mẹ gọi nhưng trẻ không phản hồi gì

Một người mẹ than phiền rằng đứa con trai 4 tuoir của mình cứ khi nào mẹ nói đi đánh răng, ra ăn cơm, đi giày vào... là coi như không nghe thấy gì, không phản hồi lại mẹ.

Nếu mẹ không sớm chỉnh đốn thói quen này, trẻ sẽ ngày càng lười biếng, vô kỉ luật, không nghe lời và càng lớn lên, việc rèn kỉ luật cho trẻ càng khó khăn.

Muốn cải thiện thói quen xấu trên, cha mẹ nên giảm bớt những lời cằn nhằn và không nên can thiệp quá nhiều khi trẻ đang làm một việc gì đó. Chẳng hạn khi con đang đi giày, bé sẽ mất khá nhiều thời gian, thậm chí là đi giày ngược, mẹ nên hướng dẫn trẻ một cách từ từ, kiên nhẫn chờ đợi trẻ thực hành kĩ năng này, không giục giã, không làm hộ... Bằng cách này, trẻ học được kĩ năng tự phục vụ bản thân, và bé cũng tôn trọng bố mẹ, sẽ không cáu kỉnh khó chịu vì bị bố mẹ chen ngang. Từ đó, bé cũng không hình thành thói quen phớt lờ mọi lời nói, yêu cầu của bố mẹ.

3. Nói không ra ngô ra khoai

Khả năng diễn đạt là một khía cạnh quan trọng của mỗi đứa trẻ khi đi học và đặc biệt là sau này khi bước vào xã hội với các môi trường tập thể, công việc.

Giai đoạn mới tập nói, trẻ có thể còn nói ngọng, nói lắp, nói ngược hay dùng sai từ... song việc cha mẹ cần làm là hướng dẫn và sửa chữa kịp thời để con biết nói đúng. Lúc nhỏ thì bố mẹ giúp con dùng từ đúng ngữ cảnh, lớn hơn chút nữa thì sửa chữa những câu sai để trẻ biết nói một câu rõ ràng, đủ ý.

Các chuyên gia ngôn ngữ cho biết với trẻ nói ngọng, nói ngập ngừng, càng sửa sớm càng tốt. Khi trò chuyện với người khác, tập cho trẻ kĩ năng lắng nghe, không ngắt lời hoặc chen ngang tùy ý. Muốn vậy, trước hết cha mẹ hãy là người tập trung lắng nghe trẻ. Bằng cách đó, dần dần trẻ sẽ xây dựng được kĩ năng nói chuyện một cách tự tin, rành mạch.

Không cần dạy dỗ hay cho con đi học ở đâu cả, cha mẹ chính là người giúp trẻ hình thành thói quen nói năng hàng ngày. Dù bận đến mấy, hãy dành thời gian mỗi ngày để nói chuyện, chơi với trẻ, đọc sách hay kể cho trẻ nghe những câu chuyện xung quanh mình. Khuyến khích trẻ đọc nhiều sách cũng là cách tăng khả năng diễn đạt trôi chảy, nói năng lưu loát.

4. Nói to ở nơi công cộng

Ngay từ nhỏ, bố mẹ cần nói cho trẻ hiểu một số quy tắc và phép xã giao ở nơi công cộng như giữ im lặng ở chỗ đông người (Ảnh minh họa).

Ngay từ nhỏ, bố mẹ cần nói cho trẻ hiểu một số quy tắc và phép xã giao ở nơi công cộng như giữ im lặng ở chỗ đông người (Ảnh minh họa).

Những nơi công cộng là nơi bạn có thể nhìn thấy rõ nhất sự nuôi dạy một đứa trẻ. Một đứa trẻ ngoan, ý thức tốt, tự lập sẽ nói ít, nói ở mức độ vừa phải, không gây phiền toái những người xung quanh, biết cư xử lịch sự với mọi người.

Những đứa trẻ chỉ quan tâm tới chính mình ở nơi công cộng, thường xuyên gây ồn ào mặc cho xung quanh có biết bao người, nếu bố mẹ không kịp thời điều chỉnh, trẻ dễ trở thành người tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, thiếu tôn trọng người khác. Kiểu người này dễ gặp trở ngại trong tương lai.

Ngay từ nhỏ, bố mẹ cần nói cho trẻ hiểu một số quy tắc và phép xã giao ở nơi công cộng như giữ im lặng ở chỗ đông người, không vứt rác bừa bãi, không làm phiền người khác, biết xếp hàng trật tự... Những thói quen tốt này bám rễ vào tâm hôn trẻ từ nhỏ, lớn lên trẻ sẽ trở thành con người có ý thức, biết cư xử văn minh, lịch sự.

Ngoài ra, làm gương tốt cho con, dùng hành động của mình để truyền tải những điều đúng đắn, nên làm là cách nhanh nhất để trẻ hình thành nhân cách tốt.

5. Làm việc chậm chạp, hay trì hoãn

Bố mẹ cần để ý nếu trẻ luôn luôn lề mề, chậm chạp trong mọi việc, hay trì hoãn, không quan tâm tới thời gian thì cần uốn nắn kịp thời (Ảnh minh họa).

Bố mẹ cần để ý nếu trẻ luôn luôn lề mề, chậm chạp trong mọi việc, hay trì hoãn, không quan tâm tới thời gian thì cần uốn nắn kịp thời (Ảnh minh họa).

Cũng như người lớn, mỗi đứa trẻ có một tốc độ khác nhau, có bé nói nhanh, làm gì cũng nhanh, có bé làm gì cũng chậm chạp. Song bố mẹ cần để ý nếu trẻ luôn luôn lề mề, chậm chạp trong mọi việc, hay trì hoãn, không quan tâm tới thời gian thì cần uốn nắn kịp thời. Thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học và làm việc của trẻ sau này.

Cha mẹ nên sử dụng đồng hồ báo thức, đồng hồ đếm giờ để giúp trẻ sớm nhận biết và hiểu được khái niệm thời gian, để bé biết rằng 2 phút, 5 phút là bao lâu. Chẳng hạn khi trẻ chưa biết xem đồng hồ, bố mẹ có thể áp dụng cách này như sau: "Kim đồng hồ chỉ đến số 5 là đến giờ con phải tắt tivi và đi tắm nhé".

Bạn có thể cùng con xây dựng thời gian biểu hợp lý, đặt ra các mốc thời gian khi cùng trẻ làm một việc gì đó. Kiên trì làm việc này, kết hợp với việc thúc giục trẻ bằng tinh thần khuyến khích, trẻ sẽ nâng cao ý thức về thời gian và cải thiện thói quen lề mề, trì hoãn mọi việc.

Ngọc Phạm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/5-thoi-quen-xau-bo-me-can-uon-nan-truoc-khi-tre-len-6-tuoi-keo-anh-huong-den-ca-tuong-lai-ve-sau-22202142101126858.htm