5 điểm nóng trên tiền tuyến khiến Nga và Ukraine quyết chiến đến cùng

Theo giới phân tích, hiện có 5 khu vực điểm nóng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, buộc cả hai bên phải đổ nhiều nhân lực và vật lực để chiến đấu.

Các lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine, do phương Tây huấn luyện và được trang bị nhiều xe bọc thép tiên tiến để thực hiện chiến dịch phản công lớn diễn ra từ đầu mùa hè, được cho là sẽ giúp Ukraine giành lợi thế. Nhưng thời gian gần đây, họ chỉ tiến được vài km trong khi phải chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ. Các quan chức Nga đánh giá Moscow đang chiếm ưu thế, đồng thời đặt cược vào tiềm lực quân sự và kinh tế của nước này trong một cuộc xung đột kéo dài.

Một binh sỹ Ukraine bảo vệ vị trí của mình ở thành phố Mariupol, Ukraine. Ảnh: AP.

Một binh sỹ Ukraine bảo vệ vị trí của mình ở thành phố Mariupol, Ukraine. Ảnh: AP.

Nga hiện đang kiểm soát 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine đồng thời tìm cách tiến lên ở phía Đông Bắc và phía Đông, trong khi Ukraine vẫn đang dồn sức tấn công ở phía Nam, với hy vọng có thể tiếp cận bờ biển Azov và chia cắt các lực lượng Nga. Giao tranh diễn ra trên khắp các mặt trận, nhưng chủ yếu tập trung tại 5 khu vực nóng bỏng nhất.

Sông Dnipro

Kể từ khi Ukraine giành quyền kiểm soát thành phố Kherson vào tháng 11/2022, con sông Dnipro chảy qua Ukraine và đổ vào Biển Đen đã được coi là tiền tuyến ở phía Nam. Con sông này chia cắt khu vực Kherson thành 2 bờ Đông – Tây. Phần phía Đông do Nga kiểm soát và phần phía Tây do Ukraine kiểm soát.

Các lực lượng Nga và Ukraine ở hai bên bờ sông thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh và tên lửa nhắm vào các vị trí của nhau.

Lực lượng Ukraine, lợi dụng thảm thực vật dày đặc ở hạ lưu sông Dnipro cùng với các kênh rạch và địa hình đầm lầy, đã nhiều lần đột kích phòng tuyến Nga kể từ giữa tháng 5/2023. Đến cuối tháng 10, Thủy quân lục chiến Ukraine bắt đầu thiết lập đầu cầu đổ bộ ở bờ đối diện. Nga gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bật Ukraine bằng thiết giáp và pháo binh do các phương tiện này khó di chuyển trong vùng đầm lầy. Do vậy, Moscow đã quyết định triển khai lực lượng không quân dẫn đầu nỗ lực đẩy lùi Ukraine, nhưng Kiev vẫn quyết tâm bám trụ tại các vị trí giành được.

Đến giữa tháng 11, có một số báo cáo cho biết, Ukraine đã đưa được xe thiết giáp hạng nhẹ vượt sông để củng cố các cứ điểm của thủy quân lục chiến.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc lập đầu cầu đổ bộ tại bờ đông sông Dnipro có giúp mở đường cho các cuộc tấn công nhiều tham vọng hơn của Ukraine hay không. Theo giới phân tích, yếu tố quyết định hiện giờ là bên nào có thể cung cấp cũng như tăng viện cho các lực lượng tại Kherson một cách hiệu quả. Nga đang sử dụng các tuyến đường hẹp, rất dễ bị phục kích, trong khi Ukraine có thể gặp rủi ro khi sử dụng thuyền nhỏ hoặc các phương tiện vận tải đổ bộ để vận chuyển quân, tiếp tế đạn dược và sơ tán binh sỹ thương vong.

Robotyne

Vào tháng 8/2023, Ukraine tuyên bố đã chọc thủng tuyến phòng thủ sâu của Nga ở phía Nam, trải dài hàng trăm km. Việc chiếm được Robotyne, một ngôi làng ở vùng Zaporizhzhia, được cho là sẽ mở đường cho quân đội Ukraine tiến về thành phố Melitopol và sau đó là Biển Azov, chia cắt lực lượng Nga thành hai nửa.

Nhưng hơn 2 tháng sau, Ukraine vẫn gặp khó khăn khi thực hiện nỗ lực tấn công vượt ra khỏi Robotyne, trong khi phải hứng chịu hỏa lực dữ dội của pháo binh Nga. Xa hơn về phía đông Nga vẫn giữ vững được phòng tuyến khi lực lượng Ukraine tập trung tấn công xung quanh làng Urozhaine. Sau khi tiến được vài km, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny cho rằng, nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Nga bằng bằng xe bọc thép trong khu vực này không hiệu quả.

Giao tranh giữa hai bên tiếp tục diễn ra ác liệt và thường xuyên xung quanh Robotyne. Nhưng các trận đánh phần lớn mang tính chất cục bộ, chủ yếu là giành lấy một số vị trí trong rừng hoặc một số địa điểm trong làng mạc. Một số nhà quan sát cho rằng, nếu một trong hai bên chịu thương vong lớn, hoặc giao tranh chuyển từ chiến đấu trên chiến hào sang chiến đấu cơ động thì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ trong khu vực có thể thay đổi nhanh chóng vì khu vực này có rất ít chướng ngại vật tự nhiên như đồi núi hay sông ngòi.

Bakhmut

Sau khi hứng chịu các cuộc giao tranh ác liệt trong nhiều tháng ròng, thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine đã trở thành nơi đổ nát, hoang tàn. Hồi tháng 5 vừa qua, Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này, nhưng Ukraine đã tái khởi động các đợt tấn công liên tiếp để chiếm lại những phần lãnh thổ ở xung quanh sườn Bakhmut. Quân đội Nga hiện trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Họ buộc phải giữ thị trấn, trong khi các tuyến đường tiếp tế ra vào thành phố liên tục bị các lực lượng Ukraine bắn phá.

Avdiivka

Nga bắt đầu nỗ lực giành quyền kiểm soát trung tâm công nghiệp Avdiivka - phía Nam Bakhmut vào tháng 10/2023. Avdiivka nằm cách thành phố Donetsk do Nga kiểm soát khoảng 13 km về phía Bắc. Lực lượng Ukraine đã xây dựng phòng tuyến kiên cố và trấn thủ ở khu vực này kể từ khi xung đột giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai tại miền Đông nổ ra vào năm 2014.

Đánh giá về các cuộc giao tranh tại Avdiivka, Giám đốc tình báo quân đội Estonia, Đại tá Ants Kiviselg cho rằng, lực lượng Nga có thể đang cố gắng chiếm lấy thị trấn này vào cuối năm nay. Hiện Nga đang nỗ lực bao vây thị trấn từ nhiều phía.

Theo các nhà phân tích, Nga đã cố gắng tích lũy một số lượng lớn nguồn lực trong những tuần gần đây, rút lui khỏi các khu vực khác trên mặt trận và cố gắng bao vây Avdiivka từ sườn phía Bắc và phía Nam. Động thái mới nhất này cho thấy, Moscow nhiều khả năng muốn cắt đứt nguồn tiếp tế của Ukraine tới thị trấn.

Bất chấp hỏa lực pháo binh dày đặc của Nga, các lực lượng Ukraine vẫn đang cố gắng bám trụ và chống đỡ trước các cuộc tấn công. Tình hình của quân đội Ukraine tại Adviivka rất nguy cấp. Giới quan sát cảnh báo thành phố này có thể trở thành “Bakhmut thứ hai”, nơi từng diễn ra các trận đánh khốc liệt giữa hai bên trong nửa đầu năm 2023.

Kupyansk

Kupyansk vẫn là một trong những khu vực có hoạt động quân sự tích cực ở tiền tuyến miền đông Ukraine, khi quân đội Nga đang tìm cách bao vây và tái kiểm soát nơi này.

Kupyansk là một trung tâm đường sắt lớn với năm tuyến đường sắt giao nhau trong thành phố, một trong số đó dẫn thẳng đến Nga. Moscow đã kiểm soát khu vực này trong những ngày đầu cuộc xung đột và nhanh chóng biến nơi đây thành căn cứ chiến lược tập trung sức mạnh ở khu vực Đông Bắc Kharkov. Nhưng vào mùa Thu năm 2022, Ukraine đã giành lại thành phố trong cuộc tấn công chớp nhoáng ở khu vực Đông Bắc Kharkov. Vào tháng 7/2023, Nga đã tiến hành nỗ lực mới nhằm chiếm lại thành phố này song đến thời điểm hiện tại Moscow vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ của Ukraine.

Một số chuyên gia quốc phòng coi làn sóng tấn công mới nhất của Nga vào thành phố Kupyansk là nỗ lực nhằm cắt đứt mắt xích chiến lược của Ukraine và ngăn cản bước tiến của đối phương ở phía Nam.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/5-diem-nong-tren-tien-tuyen-khien-nga-va-ukraine-quyet-chien-den-cung-post1059107.vov