3 vai trò của người cha trong dạy con: Thiếu đi 1 yếu tố sẽ rất khó định hình nguyên tắc, kỷ luật và lý trí cho trẻ
Trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, người cha đóng 3 vai trò sau đây sẽ giúp định hình những nguyên tắc, lý trí, sức mạnh và sự kỷ luật quan trọng.
Vai trò quan trọng của người cha trong nuôi dạy trẻ
Theo nghiên cứu của Đại học bang Michigan được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Trẻ em hàng quý và tạp chí Sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ em: Người cha đóng một vai trò đáng ngạc nhiên trong sự phát triển của con cái. Quá trình này ảnh hưởng từ ngôn ngữ, phát triển nhận thức ở giai đoạn đầu cho tới các kỹ năng xã hội trong tương lai.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nhi khoa của Pháp cho biết: Sự hiện diện của người cha rất quan trọng để con trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý, có thể làm giảm rối loạn trầm cảm, các vấn đề về hành vi.
Trong khi người mẹ mang đến cho trẻ sự thoải mái và ổn định thì người cha thường tạo ra nhiều thử thách hơn, kích thích trẻ sáng tạo, giảm lo âu, tạo cho chúng sự hưng phấn vui vẻ.
Các chuyên gia nhận định rằng, chức năng của người cha được xem như yếu tố quan trọng cho sự phát triển bình thường và chín muồi về mặt tâm lý – tình cảm của trẻ. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự hình thành nhân cách nơi trẻ.
3 vai trò mà một người cha tốt nên có
Là tấm gương nuôi dạy con tinh thần trách nhiệm
Một nghiên cứu do Bệnh viện đa khoa Bắc Kinh thực hiện đã chỉ ra, trong quá trình trưởng thành, nếu trẻ thiếu vắng cha thì dễ hình thành cảm giác thiếu sự mạnh mẽ và an toàn.
Điều này có thể khiến trẻ đánh mất dũng khí đối đầu với những thăng trầm của cuộc sống, hoặc khó phát triển tinh thần trách nhiệm và có xu hướng lựa chọn cách trốn tránh trong cuộc sống.
Do đó, vai trò đầu tiên mà người cha không nên quên chính là dạy con cách chịu trách nhiệm và trở thành một người tử tế. Nếu không, đứa trẻ sẽ gánh chịu những tổn thất trong cuộc sống hoặc sự nghiệp vì chính tính cách của mình.
Là hiện thân của lý trí và phép tắc trong gia đình
Một nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, sự tồn tại của người cha có lợi cho việc chuyển từ "mối quan hệ khép kín" được hình thành giữa mẹ và con sang "mối quan hệ ba chiều mở" trong gia đình.
Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em. Vì tình mẹ thường đại diện cho niềm tin, giá trị của sự nhân ái trong cuộc sống, được trao cho trẻ một cách vô điều kiện. Còn tình cha đại biểu cho kỷ luật và sức mạnh, là hiện thân của những phép tắc gia đình.
Do đó, khi hành vi của trẻ không đáp ứng được yêu cầu của các quy tắc chung, người cha nên đóng vai trò uốn nắn và răn dạy con hiểu được điều sai lẽ phải. Trong khi đó, người mẹ sẽ làm bạn, đồng hành cùng con để sửa chữa những lỗi sai đó.
Theo một cuộc khảo sát về trẻ em do Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2021 tiến hành, trẻ từ 5-9 tuổi thường nghe lời mẹ nhiều hơn, trong khi trẻ từ 11 tuổi trở lên thường đáp ứng tốt lời bố dạy hơn.
Đặc biệt là trong giai đoạn vị thành niên, hình ảnh uy quyền của người cha đặc biệt quan trọng để hỗ trợ sự trưởng thành của đứa trẻ. Tuổi mới lớn là một giai đoạn rất đặc biệt, phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn. Tâm sinh lý của trẻ đã không hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ nữa. Khi đó, vai trò người cha đại diện cho quyền lực và quy tắc.
Do đó, trong giai đoạn này, nếu vai trò kỷ luật của người cha không được khẳng định thì trẻ dễ bỏ qua các quy tắc cốt yếu.
Là “lá chắn an toàn” đồng thời làm bạn đồng hành cho con
So với mẹ, người cha có sức mạnh tự nhiên lớn hơn nên thường tạo cảm giác an toàn nhiều hơn cho các con. Do đó, trên con đường từ khi còn thơ đến lúc trưởng thành, người cha còn cần thể hiện vai trò là “lá chắn an toàn” để con ngày một trưởng thành, khôn lớn.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy mối quan hệ của trẻ em với mẹ chủ yếu dựa trên sự quan tâm chăm sóc, trong khi mối quan hệ của bé với cha dựa trên sự vui chơi tích cực. Do đó, trẻ hướng về mẹ nhiều hơn để được an ủi khi chúng bị đau, nghĩ đến bố nhiều hơn khi chúng muốn chơi đùa. Như vậy, người cha vô cùng thích hợp để đảm nhận vai trò làm bạn đồng hành của con.
Cậu bé Trần Hưng Dung, người Trung Quốc, từng được chẩn đoán tự kỷ. Năm 5 tuổi, bố cậu quyết định thuê huấn luyện viên dạy bơi lội cho cậu, nhưng họ đều chỉ dạy trong vài buổi rồi xin nghỉ.
Không còn cách nào khác, ông Trần quyết định tự rèn luyện cho cậu con trai đặc biệt của mình. Dưới sự hỗ trợ của bố, Trần Hưng Dung ở tuổi trưởng thành đã giành được 5 huy chương vàng trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật toàn quốc, Trung Quốc lần thứ 11.
Đến nay, dù là người tự kỷ, Trần Hưng Dung có thể đi chợ một mình, được mọi người yêu quý. Nhiều khán giả nhận xét, sức mạnh anh có được, chính nhờ sự mạnh mẽ, can đảm... bố truyền cho anh, khi đồng hành cùng anh trên con đường trưởng thành nhiều vất vả.
*Theo QQ