3 thế hệ giữ nghề tạc tượng gỗ
Ở làng Tơ Ver (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), gia đình anh Đinh Bliuh luôn được người dân trân quý. Những năm qua, các thế hệ trong gia đình anh đã dành nhiều tâm huyết giữ nghề tạc tượng gỗ dân gian-nét đẹp văn hóa đặc trưng độc đáo của người Tây Nguyên.
“Thổi hồn” vào gỗ
Chiều muộn, ngôi nhà của anh Bliuh nằm ở cuối làng Tơ Ver vẫn lách cách tiếng đục đẽo. Khi chúng tôi đến, anh Bliuh đang hoàn thiện bức tượng người đàn ông vác rựa để kịp giao cho khách hàng.
Anh Bliuh kể: Lúc nhỏ, anh thường ngồi xem ông nội và cha tạc tượng. Lớn hơn một chút thì theo cha đến tìm hiểu nghề tạc tượng của các nghệ nhân trong làng. Nhờ sự truyền dạy tận tình của cha, năm 15 tuổi, anh đã biết tạc những tượng đơn giản. Mỗi khi rảnh rỗi, anh lại lấy gỗ ra tự mày mò, gõ đục những nét khắc đầu tiên. Sau những lần thất bại, đôi tay anh ngày càng trở nên khéo léo, càng làm càng hăng say.
“Những tượng gỗ được tạc bằng công cụ thô sơ. Nhìn có vẻ xù xì, mộc mạc, nhưng khi ngắm kỹ mới thấy được độ khó trong việc tạo hình và sự tinh tế của nghệ nhân”-anh Bliuh chia sẻ.
Theo anh Bliuh, tượng gỗ được chế tác theo chủ đề nhưng không có khuôn mẫu chung nào cả. Do vậy, mỗi bức tượng là một sản phẩm riêng biệt, độc đáo, mang dấu ấn của nghệ nhân. Khi tạc tượng cần quan sát tỉ mỉ, kỹ càng vân gỗ, thớ gỗ, tùy vào sắc độ đậm nhạt của lõi gỗ để khắc họa từng khuôn mặt, ánh nhìn, cử chỉ, hành động của nhân vật.
“Để cho mỗi bức tượng thực sự sinh động và có hồn, người thợ không chỉ đẽo gọt khéo léo cho thành hình hài, dáng vóc mà còn phải căn chỉnh tỷ lệ của các bộ phận sao cho hài hòa, phù hợp, đặc biệt là chú ý thể hiện chiều sâu suy nghĩ trên khuôn mặt nhân vật. Muốn vậy, người tạc tượng phải chú tâm, dành thời gian học hỏi, rèn luyện. Càng đam mê nghề thì tác phẩm càng sắc sảo, có hồn”-anh Bliuh chia sẻ.
Anh Bliuh cho hay: “Hiện nay, tôi chủ yếu làm tượng cho gia đình, người thân và theo đơn đặt hàng của khách để trang trí nhà rông, quán ăn, nhà hàng. Hầu như ngày nào cũng có khách đặt làm tượng. Công việc ổn định, thu nhập từ tạc tượng mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng, riêng các dịp lễ hội thì thu nhập cao hơn”.
Ông Đinh Ble (cha của anh Bliuh) dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn nỗ lực truyền nghề cho các con. “Tôi rất vui vì các con yêu thích nghề tạc tượng. Điều đó cũng có nghĩa là các con hiểu được giá trị của những bức tượng gỗ là linh hồn của dân tộc mình”-ông Ble nói.
Chung tay giữ nghề
Theo anh Bliuh, với người Bahnar, nhà mồ, nhà rông đẹp phải được trang trí kỳ công cùng nhiều tượng gỗ dựng ở 4 góc, xung quanh hàng rào, 2 bên cửa ra vào. Bởi vậy, sau khi được cha truyền nghề, anh Bliuh đã tiếp tục hướng dẫn cho em trai là Đinh Hưk.
“Mình biết tạc tượng từ năm 16 tuổi. Nhờ cha và anh Bliuh chỉ dẫn tận tình, mình đã tạc nhiều bức tượng và được khách hàng khen đẹp. Mỗi tháng, mình kiếm được 6-7 triệu đồng từ làm tượng gỗ”-anh Hưk bộc bạch.
Tuy mới 10 tuổi nhưng cháu Đinh Blon (con trai của anh Bliuh) cũng được chỉ dạy cách tạc tượng gỗ. Anh Bliuh tự hào khoe: “Gia đình mình ai cũng thích nghề tạc tượng. Từ ông tới cha rồi anh em mình. Đứa con trai 10 tuổi nhưng thấy mình tạc tượng cũng ra ngồi xem và cầm rìu đục đẽo những phần dễ”. Nghe nhắc đến mình, cậu bé Blon nở nụ cười tươi: “Được cầm rìu tạc tượng là cháu vui lắm!”.
Trò chuyện cùng P.V, ông Phạm Quang Ánh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Khươl-cho hay: Gia đình anh Bliuh 3 đời làm nghề tạc tượng gỗ. Hiện nay, tay nghề của anh Bliuh giỏi nhất huyện. Nhiều khách hàng đã tìm đến đặt tạc tượng. Nhờ đó, gia đình anh Bliuh sống được với nghề này. Ở hội thi nào, anh cũng đạt giải cao. Mới đây, tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024, anh đạt giải nhất cuộc thi tạc tượng do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/3-the-he-giu-nghe-tac-tuong-go-post306041.html