3 thảm họa tồi tệ nhất của chương trình không gian Liên Xô

Bất chấp thất bại không thể chối cãi của chương trình không gian Liên Xô, vẫn có những bước thụt lùi. Việc thám hiểm không gian đòi hỏi Liên Xô phải trả giá đắt cả về nhân lực và vật chất. Dưới đây là 3 thảm họa tồi tệ nhất của chương trình không gian Liên Xô.

Tai nạn của tàu Soyuz

Đầu những năm 1960, cuộc chạy đua không gian giữa 2 siêu cường trở nên khốc liệt hơn nhưng rõ ràng Liên Xô là nước dẫn đầu. Tuy nhiên, sau những thành công ban đầu với việc phóng vệ tinh Sputnik và đưa người đầu tiên vào vũ trụ, Liên Xô bắt đầu tụt lại phía sau. Mỹ khi đó đang thúc đẩy chương trình không gian của họ và giới lãnh đạo Liên Xô cần những thành tựu mới để đối trọng với Washington.

Trong bối cảnh đó, Moscow đặt hy vọng vào tàu vũ trụ mới Soyuz, thay thế tàu vũ trụ Vostok đã đưa Yury Gagarin lên quỹ đạo năm 1961. Tàu Soyuz được phát triển như một phần trong chương trình tiếp cận Mặt trăng của Liên Xô.

Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vladimir Komarov. Ảnh: Sputnik

Đến năm 1967, tàu vũ trụ mới vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng nhưng giới lãnh đạo Liên Xô không muốn chờ đợi lâu hơn nữa.

Vào tháng 4 cùng năm, Liên Xô lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ Soyuz đầu tiên, dự kiến thực hiện kết nối không gian đầu tiên với một tàu khác, Soyuz 2, sẽ được phóng ngay sau đó, Theo kế hoạch, 2 thành viên của đội sẽ chuyển sang tàu Soyuz 1 và sau đó quay trở lại Trái Đất.

Bất chấp thực tế Soyuz 1 vẫn là một dự án chưa được thử nghiệm, nhưng việc phóng tên lửa vẫn được tiến hành. Trên tàu có một phi hành gia giàu kinh nghiệm, Đại tá Vladimir Komarov, 37 tuổi. Tuy nhiên, khi Soyuz đạt tới quỹ đạo của nó, vấn đề bắt đầu xảy ra. Việc phóng Soyuz 2 bị hủy bỏ và Soyuz 1 phải quay trở lại Trái Đất.

Hệ thống định vị bị hỏng và Komarov phải điều khiển tàu bằng tay. Phi hành gia này đã cố gắng hạ cánh theo đúng quỹ đạo và khi mọi người nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua, thì chiếc dù hãm của tàu lại không mở ra. Komarov chết vì các vết thương do va chạm.

“Chúng tôi phát hiện thi thể của Komarov một giờ sau khi bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát. Rõ ràng, Komarov đã thiệt mạng khi con tàu chạm đất”, một trong những quan chức phụ trách nhiệm vụ cứu hộ kể lại. Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết rõ lý do vì sao chiếc dù không mở ra. Cái chết của Komarov là trường hợp tử vong đầu tiên trong chuyến bay vào vũ trụ.

Thảm kịch tàu Soyuz 11

Thảm họa thứ hai xảy ra vào năm 1971 đã cướp đi sinh mạng của ba phi hành gia Liên Xô - Georgy Dobrovolsky, Vladislav Volkov và Viktor Patsaev - những người đầu tiên bước vào trạm vũ trụ đầu tiên trên thế giới, Salyut 1. Các phi hành gia đến trạm vũ trụ vào ngày 7/6/1971 và ở đó đến ngày 30/6/1971. Nhiệm vụ lẽ ra sẽ kéo dài hơn nhưng một đám cháy bùng phát và họ phải rời đi sớm hơn dự định.

Tàu Soyuz 11 trên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur. Ảnh: TASS

Ban đầu, hành trình trở lại Trái Đất của Soyuz 11 diễn ra tốt đẹp và không có vấn đề gì với dù. Tuy nhiên, khi lực lượng giải cứu xác định được vị trí của khoang tàu sau khi hạ cánh, không có phản hồi nào từ bên trong. Khi lực lượng cứu hộ mở cửa sập, “họ thấy cả ba người trong tư thế bất động với những mảng màu xanh đậm trên mặt và những vệt máu chảy ra từ mũi và tai… Thân thể Dobrovolsky vẫn còn ấm”, Kerim Kerimov, chủ tịch Ủy ban Nhà nước thực hiện điều tra vụ việc, nhớ lại.

Đội cứu hộ đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho các phi hành gia nhưng họ đều đã tử vong. Khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân cái chết là do tàu bị giảm áp và hậu quả là các phi hành gia bị ngạt.

Thảm kịch xảy ra do sự cố với van thông gió mở trong khoang ở độ cao 168 km. Trong vòng vài giây, áp suất trong khoang hạ cánh đã bị mất. Tư thế của các thi thể khiến các nhà điều tra kết luận rằng cho đến giây phút cuối cùng, họ đã cố gắng ngăn chặn sự rò rỉ oxy trên tàu nhưng không có đủ thời gian.

Người dân Liên Xô đọc tin tức về thảm họa tàu Soyuz 11, ngày 1/7/1971. Ảnh: TASS

Phải mất 27 tháng kể từ sau thảm kịch này, Liên Xô mới phóng tàu vũ trụ Soyuz tiếp theo. Thiết kế của tàu đã được thay đổi, phi hành đoàn giảm từ 3 xuống còn 2 người vì 3 người mặc bộ đồ vũ trụ không vừa với không gian bên trong. Từ đó trở đi, các phi hành gia luôn mặc bộ đồ không gian này khi họ quay trở lại khí quyển Trái Đất để không lặp lại số phận khủng khiếp của Soyuz 11; điều này giúp họ có thể sống sót trong trường hợp bị giảm áp.

Bi kịch tại sân bay vũ trụ Plesetsk

Vụ nổ tại Sân bay vũ trụ Plesetsk đã khiến hàng chục người thiệt mạng.

Liên Xô dự kiến phóng tên lửa Vostok-2M mang vệ tinh do thám quân sự vào ngày 18/3/1980. Vostok-2M được coi là cực kỳ đáng tin cậy khi lớp tên lửa này chỉ ghi nhận một sự cố trong 16 năm và hoàn toàn không có vấn đề gì kể từ năm 1970.

Đài tưởng niệm thảm kịch Plesetsk. Ảnh: Flickr

Trước khi phóng, tên lửa đã được kiểm tra và không phát hiện sai sót nào. Tuy nhiên, trong quá trình đổ nhiên liệu, một đám cháy đã bùng phát và hàng tấn nhiên liệu bắt đầu bốc cháy. May mắn thay, các công nhân tại bệ phóng đã di dời được các xe chở nhiên liệu ra khỏi khu vực, nếu không thảm kịch sẽ còn tồi tệ hơn.

Các quan chức cho biết, 44 người đã thiệt mạng trong vụ cháy và 4 người khác tử vong vì vết thương. Ủy ban Nhà nước đổ lỗi cho những người phụ trách tiếp nhiên liệu. Nhưng 16 năm sau, một ủy ban độc lập đã minh oan cho họ, kết luận rằng nguyên nhân thực sự của vụ cháy là do vật liệu được sử dụng trong bộ lọc nhiên liệu.

Vụ cháy ở bệ phóng Plesetsk không phải là sự cố duy nhất như vậy ở Liên Xô. Một thảm kịch tương tự từng xảy ra tại Sân bay vũ trụ Baikonur vào năm 1960.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo RBTH

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/3-tham-hoa-toi-te-nhat-cua-chuong-trinh-khong-gian-lien-xo-post1075126.vov