3 năm liên tiếp, miền Nam châu Phi hạn hán kinh hoàng

Lượng mưa thấp kỉ lục đã gây ra hạn hán nghiêm trọng tại miền Nam châu Phi trong nhiều năm qua, gây đất đai khô hạn và ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế con người.

Thông báo từ Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) cho biết lượng mưa từ tháng 10/2020 đến đầu tháng 3/2021 thấp kỉ lục trong hơn 30 năm qua, kể từ năm 1982.

Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp hạn hán kinh hoàng hoành hành ở khu vực này, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở các nước như Nam Phi, Angola, Zambia, Zimbabwe…

Đất đai khô cằn nứt nẻ tại Nam Phi, tháng 11-2019. (Ảnh: REUTERS)

Tại miền Nam Madagascar, người dân phải đào rất sâu dưới những lớp cát mong được một chút lương thực nhưng không có gì, theo National Geographic.

Một phụ nữ rơi nước mắt cầu nguyện cho mưa xuống. Chính phủ các nước tuyên bố hỗ trợ thu mua gia súc, gia cầm của nông dân, cung cấp thùng đựng nước cho các khu vực dân cư không có nguồn nước thay thế, tăng cường khoan giếng và huy động các nguồn lực để đối phó với tình hình nghiêm trọng đang diễn ra. (Ảnh: REUTERS)

Thậm chí những đợt cao điểm nắng hạn, có khi họ phải dùng cả nước biển để sinh hoạt.

Ông Lola Castro - người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại miền Nam châu Phi - cho biết, hơn 300.000 người ở Madagascar đang cần hỗ trợ để đủ điều kiện sống tối thiểu vào lúc này.

Tỉ lệ suy dinh dưỡng trong khu vực đã tăng lên, trẻ em buộc phải đi xa tự tìm thức ăn để giúp gia đình có thêm chút ít thực phẩm...

Cá chết khô tại một con đập ở Nam Phi. Hiện có 3 thành viên của SADC là Angola, Namibia và Zambia đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán. (Ảnh: REUTERS)

Ở Nam Phi, số cơn mưa đầu năm 2021 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đó, hồi đầu năm 2020, khoảng 45 triệu người ở quốc gia này, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do hạn hán. Tình hình có thể phức tạp hơn trong năm 2021.

Hàng dài người cầm bình, thau tới nhận nước cứu trợ từ Tổ chức từ thiện phi Chính phủ Gift of the Givers. ( Ảnh: REUTERS)

Nước sạch xin được sẽ ưu tiên cho ăn uống, sau cùng mới tới tắm giặt. Cô Assanda Sais, 38 tuổi nói với Hãng tin AFP rằng cô chỉ có đủ nước để tắm 1 lần/tuần, khiến cơ thể lúc nào cũng bốc mùi khó ngửi. (Ảnh: REUTERS)

Trẻ em là nạn nhân trực tiếp của hạn hán. Có khoảng nửa triệu trẻ em Angola đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng cấp. (Ảnh: REUTERS)

Giáo sư Anthony Turton - cố vấn môi trường cho Tổ chức phi Chính phủ về tình trạng thiếu nước ở Nam Phi - cảnh báo một đợt El Nino tiếp theo từ vùng nhiệt đới Thái Bình Dương sắp tăng thêm tác động đến khu vực này.

Nhiều thành phố được khuyến nghị xem xét một chương trình chống chịu để giảm thiểu nguy cơ trước hạn hán...

Không chỉ sinh kế của người dân mà cảnh quan thiên nhiên và ngành du lịch cũng bị đe dọa bởi hạn hán.

Trong ảnh là thác Victoria ở Zambia, một trong những thác nước đẹp nhất thế giới, đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 1 thế kỉ qua, khiến nước chảy chậm, có nơi trơ cả đất đá. (Ảnh: REUTERS)

Dữ liệu từ cơ quan quản lý sông Zambezi cho thấy, lưu lượng nước qua thác Victoria đang thấp nhất kể từ năm 1995 và ở dưới mức trung bình. Người dân địa phương đang hi vọng thác bắt đầu chảy mạnh trở lại, vì họ phụ thuộc nhiều vào du lịch từ thác. (Ảnh: REUTERS)

Lượng mưa thấp kỉ lục đã gây ra hạn hán nghiêm trọng tại miền Nam châu Phi trong nhiều năm qua, gây đất đai khô hạn và ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế con người.

Thiếu nước khiến ngành chăn nuôi và trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra tình trạng thiếu lương thực. Nông dân phải giảm số lượng gia súc và bán đi sớm vì không còn thực phẩm và nước để chăn nuôi. (Ảnh: REUTERS)

Đất đai khô cằn, mùa màng thất bát, thiếu nước trên diện rộng… nhiều nơi ở phía Nam châu Phi đang cực kỳ khó khăn do những diễn biến đột ngột của biến đổi khí hậu.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/3-nam-lien-tiep-mien-nam-chau-phi-han-han-kinh-hoang-60128.html