2018 tiếp tục là năm nóng kỷ lục

Năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất được ghi nhận cao kỷ lục. Đây là thông tin được đưa ra trong một báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

AFP dẫn báo cáo của WMO cho biết, trong 22 năm qua, có tới 20 năm nóng nhất lịch sử với các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 đứng đầu danh sách. Theo báo cáo, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất trong 10 tháng đầu năm 2018 cao hơn gần 1 độ C so với các chỉ số được ghi nhận thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). “Xu hướng nóng lên toàn cầu là hiển nhiên và đang tiếp diễn. Cần phải nhắc lại một lần nữa rằng chúng ta là thế hệ đầu tiên hiểu được tác động của biến đổi khí hậu và cũng là thế hệ cuối cùng có thể làm gì đó để đối phó với tình trạng này”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo. Trong khi đó, Phó tổng thư ký WMO Elena Manaenkova cho biết chỉ cần một sự thay đổi rất nhỏ của nhiệt độ bề mặt Trái Đất cũng “tạo ra sự khác biệt đối với sức khỏe con người, việc tiếp cận lương thực và nước sạch, sự sống còn của các loài động thực vật, rạn san hô và sinh vật biển”.

AFP dẫn lời Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, với lượng khí nhà kính - “thủ phạm” chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu - đang ở mức cao kỷ lục, “chúng ta có thể thấy nhiệt độ tăng thêm từ 3 đến 5 độ C vào cuối thế kỷ này”. Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng khí nhà kính thải ra môi trường trong năm 2017 đã tăng lên mốc kỷ lục mới là 53,5 tỷ tấn sau 3 năm giảm liên tiếp. Để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lần lượt ở ngưỡng 2 độ C và 1,5 độ C như Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu quy định, lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 phải ở mức thấp hơn con số trên, tương ứng khoảng 25% (13,3 tỷ tấn) và 55% (29,4 tỷ tấn). Theo ước tính của Liên hợp quốc, các chính sách khí hậu hiện tại sẽ chỉ giúp giảm khoảng 6 tỷ tấn khí nhà kính phát thải trước năm 2030, đồng nghĩa với mức tăng nhiệt bề mặt Trái Đất là 3 độ C vào năm 2100. Báo cáo chỉ ra, lượng khí thải tăng kết hợp với các hành động chưa đủ quyết liệt đang khiến cho khoảng cách giữa mức thải thực tế và mức thải mục tiêu trong năm vừa qua cao hơn bao giờ hết. Báo cáo cho rằng, nếu khoảng cách này không được thu hẹp trước năm 2030 thì mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng hoàn toàn vượt quá tầm với. Cũng theo báo cáo này, các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C.

VĨNH AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/2018-tiep-tuc-la-nam-nong-ky-luc-556124