2 năm qua, trường tôi không có GV nào được thăng hạng I, II vì hết chỉ tiêu

Giáo viên xét thăng hạng phải đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện để được xét thăng hạng quy định trong Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT và phải còn chỉ tiêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT về xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực từ 15/12/2024, được nhiều giáo viên quan tâm vì nếu giáo viên phổ thông được xét lên hạng II thì sẽ được chuyển xếp hệ số lương 4,0-6,38, hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.

Tuy vậy, việc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II hay từ hạng II lên hạng I sẽ còn rất khó khăn, phức tạp trong thời gian tới, có đơn vị trong vòng một vài năm tới không còn chỉ tiêu xét thăng hạng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, nhiều thành tích đang được xếp lương hạng III

Tại cơ quan tôi đang công tác ở một tỉnh phía Nam, từ năm 2015, một số giáo viên hạng IV, III cũ (theo Thông tư liên tịch 20-23/TTLT-BGDĐT-BNV) gần đây mới được có quyết định chuyển sang hạng III mới (giáo viên mầm non có hệ số lương 2,1-4,89; giáo viên phổ thông có hệ số 2,34-498) theo Văn bản hợp nhất 08-11/VBHN-BGDĐT năm 2023.

Giáo viên đang xếp hạng III mới, trong đó có nhiều giáo viên giỏi, công tác lâu năm, nhiều thành tích, có hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, có người là giáo viên giỏi cấp tỉnh, bằng khen cấp tỉnh,…cơ bản họ đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, đạo đức, năng lực, phẩm chất,…hạng II nhưng họ chỉ được xếp ở hạng III mới.

Về cơ bản những giáo viên này không được bổ nhiệm đúng vị trí việc làm. Họ làm tốt, hiệu quả nhưng chỉ được xếp lương ở hạng III (hạng thấp nhất).

Ngược lại, nhiều giáo viên trước đây được bổ nhiệm hạng II cũ đã được bổ nhiệm sang hạng II mới, họ không cần tiêu chuẩn, điều kiện gì chỉ cần đảm bảo tiêu chuẩn thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT.

Nhiều giáo viên công tác 9 năm có hệ số lương 3,33 (hạng II cũ) cũng được bổ nhiệm sang hạng II mới có hệ số lương 4,0; nhiều trường hợp không có tiêu chuẩn, thành tích gì vẫn được bổ nhiệm hạng II mới (chỉ cần đảm bảo đủ tiêu chuẩn 9 năm giữ hạng).

Ở trường hợp này, nhiều giáo viên trước khi được bổ nhiệm hạng II mới thiếu tiêu chuẩn, không giữ nhiệm vụ gì vẫn được bổ nhiệm mới, sau khi bổ nhiệm hạng II mới họ vẫn tiếp tục giữ hạng II mới và không có quy định nào họ phải xuống hạng thấp hơn khi thiếu tiêu chuẩn hay bắt buộc họ phải giữ nhiệm vụ gì.

Những trường hợp này được gọi là bổ nhiệm không đúng vị trí việc làm hay nói đúng hơn là bổ nhiệm “nhầm hạng”.

Chia hạng để trả lương là chính sách phù hợp để kích thích giáo viên giỏi, công tác tốt, giữ nhiệm vụ quản lý. Họ phải được bổ nhiệm, chuyển xếp lương ở hạng cao hơn giáo viên hạng thấp là điều đúng đắn, tuy nhiên, chuyển xếp lương ở giai đoạn hiện tại, bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới thì dễ dãi, nhưng xét thăng hạng từ III lên hạng II thì khó khăn, phức tạp hơn nhiều khiến nhiều giáo viên “nhầm hạng”.

Vì sao không dễ để giáo viên được xét thăng hạng?

Theo tìm hiểu của người viết, ít nhất vài năm tới việc tổ chức các đợt xét thăng hạng ở các địa phương là khá ít, nhiều nơi chưa thể tổ chức các đợt xét thăng hạng cho giáo viên từ hạng III lên hạng II hay hạng II lên hạng I vì ba lý do chính sau đây:

Thứ nhất, một số nơi hết chỉ tiêu hạng I, II

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện việc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II hay hạng II lên hạng I.

Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục, một số địa phương sẽ có nhiều trường không tổ chức xét thăng hạng theo Thông tư 13 được vì đã không còn chỉ tiêu để giáo viên được xét thăng hạng lên hạng I, II.

Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3, 4 thì chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I không quá 10%, hạng II không quá 50%, hạng III không quá 40%; .

Tại khoản 1,3 mục III Công văn 64 một số điểm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện hướng dẫn xác định cơ cấu và tổ chức xét thăng hạng viên chức như sau:

"1. Cơ cấu tại Mục I và Mục II Công văn này không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý

3. Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ."

Tại trường trung học cơ sở nơi người viết công tác, có 40 giáo viên nhưng hiện nay đã có 24 người được bổ nhiệm hạng II mới, chiếm tỷ lệ 60% (vượt tỷ lệ 10% tương ứng 4 người), nên trong vòng 2 năm qua, không có kế hoạch, chỉ tiêu để xét thăng hạng và trong thời gian tới ít nhất 3 năm tới (khi có giáo viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác) mới có thể có chỉ tiêu để những giáo viên hạng III được xét thăng hạng.

Do đó, một số người hạng III dù có thành tích tốt, giữ chức vụ quản lý vẫn phải chờ đến khi có chỉ tiêu mới được đăng ký hồ sơ dự xét thăng hạng.

Thứ hai, phải đạt toàn bộ các tiêu chuẩn

Giáo viên hạng II cũ sang hạng II mới chỉ cần đảm bảo thời gian giữ hạng là 9 năm.

Còn giáo viên xét thăng hạng phải đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện để được xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II hay từ hạng II lên hạng I quy định trong Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT.

Cụ thể trong bài viết “7 tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên THCS xét thăng hạng III lên hạng II” đã nêu giáo viên trung học cơ sở để được xét thăng hạng lên hạng II phải đảm bảo các tiêu chuẩn trên, nhiều tiêu chuẩn không dễ đạt được. Chỉ cần thiếu một trong các tiêu chuẩn, tiêu chí giáo viên sẽ không được dự xét thăng hạng.

Đối với giáo viên để được xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I sẽ khó khăn hơn nhiều do chỉ tiêu nhỏ, tiêu chuẩn cao hơn.

Thứ ba, một số người không còn minh chứng

Do có rất nhiều tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn gồm nhiều tiêu chí nhỏ nên để xét thăng hạng, giáo viên cần phải có minh chứng về các tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức,..

Nếu vì lý do gì đó giáo viên không còn lưu giữ minh chứng thì cũng sẽ không đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét thăng hạng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/2-nam-qua-truong-toi-khong-co-gv-nao-duoc-thang-hang-i-ii-vi-het-chi-tieu-post246826.gd