2 'giờ vàng' cứu mạng 140 thầy trò trường học ở Mường Hum khỏi vụ sạt lở đất nghiêm trọng
Quyết định di tản học sinh rất nhanh được đưa ra sáng sớm 9/9 - sau đó 2 tiếng vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra làm sập hoàn toàn dãy nhà bán trú - 140 học sinh và thầy cô giáo được cứu mạng.
Quyết định chuyển lịch học và di chuyển nhanh đã cứu sống hàng trăm học sinh thoát khỏi sạt lở đất nghiêm trọng
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông số 3, xã Mường Hum (Lào Cai), cho biết từ tối 8/9, lo lắng khi mưa lớn và kéo dài quá lâu, dù đang đi công tác nhưng thầy liên tục cập nhật tình hình qua thầy Nguyễn Thành Trung - Hiệu phó nhà trường.
Trước đó, khu nhà 5 tầng của trường từng bị sạt trượt, vết sạt đã được gia cố lại, nhưng chỉ cách khu nhà ở bán trú các học sinh ở khoảng 20m.
Sáng 9/9, mưa mỗi lúc một to hơn, thầy Quế càng lo lắng hơn và quyết định phải di chuyển các học sinh ngay.
Lúc 7 giờ sáng, vết sạt cũ đằng sau ngôi nhà 5 tầng của trường dù đã được kè lại bất ngờ sạt xuống dốc rất nhanh.
"Tôi và thầy hiệu phó Nguyễn Thành Trung trao đổi liên tục trong buổi sáng hôm đó, thấy vết sạt cũ bất ngờ sạt lại là dấu hiệu cảnh báo lớn nhất. Anh em quyết định rất nhanh phải di tản ngay học sinh", thầy Quế kể lại.
Thời điểm đó, trường có 131 học sinh và 9 thầy cô đang ở trường.
Cũng vào lúc 7 giờ, thầy Trung gọi cho Chủ tịch xã và cán bộ công an xã nhờ hỗ trợ để di tản học sinh. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nhờ sự trợ giúp của xã và các thầy cô, học sinh đã được di tản an toàn đến Trường mầm non và Nhà văn hóa thôn Piềng Láo.
Đến khoảng 10 giờ, quả đồi phía sau trường sạt xuống làm sập hoàn toàn dãy nhà bán trú gồm 16 phòng ở. Nhưng 140 giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông số 3 xã Mường Hum nhờ được sơ tán kịp thời đã thoát chết thần kỳ.
"Chỉ 2 tiếng ngắn ngủi, nếu không di tản kịp thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi quá may mắn", thầy Quế chia sẻ.
May mắn này, theo thầy Quế, cũng nhờ sự chuẩn bị từ trước, ngay sáng thứ bảy tuần trước, trường đã chủ động chuyển lịch học buổi sáng sang buổi chiều để có thời gian theo dõi tình hình mưa lũ.
Các thầy cô trực thường xuyên báo cáo để lãnh đạo nhà trường ra quyết định di chuyển học sinh sớm trước khi sạt 2 tiếng. 7 giờ chỉ đạo di tản thì 8 giờ đã di chuyển xong, tới 10 giờ thì 16 phòng bán trú sập hoàn toàn do sạt lở.
Ngày đầu tiên di tản, cả thầy và trò đều đói. Trời mưa tầm tã khiến học sinh cũng không mang theo kịp nhiều đồ, nhiều em chỉ có duy nhất bộ quần áo trên người.
Dù rất đói và mệt, nhưng cả thầy và trò đều bình tĩnh. May mắn đến được nơi tạm trú an toàn, song thầy trò bị cô lập do mưa lũ, sạt lở khiến tuyến đường đến xã Mường Hum bị sạt lở nghiêm trọng. Có thời điểm mất điện, nước, thực phẩm tiếp tế gặp khó khăn nhưng người dân, công an và các lực lượng chức năng đã kịp thời hỗ trợ chu đáo.
Tới đêm 12/9, đường từ trung tâm huyện Bát Xát đến xã Mường Hum được thông trở lại. Công an tỉnh Lào Cai cử nhiều tổ công tác vận chuyển thêm hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc men đến.
Theo thầy Vũ Xuân Quế, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông số 3 huyện Bát Xát đã bị hư hỏng khá nhiều: sạt lở đã vùi lấp 10 xe máy, xe điện của giáo viên và học sinh. Trạm bơm góc sân vận động gồm 3 bơm cứu hỏa bị đổ và vùi lấp hoàn toàn. 2 giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt cho học sinh bán trú cũng thiệt hại.
Với dãy nhà 16 phòng bán trú, 150 giường tầng, 50 tủ đồ học sinh, 60 quạt treo, bóng điện, chăn màn... cũng bị hư hại.
"Trước mắt, các em học sinh đang thiếu một số nhu yếu phẩm phục vụ cho việc học tập như sách vở, cặp lồng… Trường thì cần téc nước, máy bơm và xây dựng lại khu nội trú để sớm ổn định khu nhà ở bán trú cho các em học tập", thầy Quế chia sẻ.
Sắp tới sẽ được địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đánh giá lại thiệt hại.
Nhà báo Trần Việt Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã trao 150 triệu đồng, trích từ nguồn ủng hộ của bạn đọc, cho Trường THCS và THPT số 3 Mường Hum hỗ trợ bước đầu để mua sắm đồ dùng cho bếp ăn nội trú để đón học sinh đi học trở lại.