2.000 tay súng Syria sang Libya tham chiến, Pháp, Nghị viện Arab lên tiếng
Ngày 15/1, báo Ahram của Ai Cập dẫn một số nguồn tin từ Syria cho hay, 2.000 tay súng Syria được triển khai tới Libya để hỗ chính quyền ở Tripoli chiến đấu chống lại lực lượng đối địch.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Nguồn: Reuters)
Theo những nguồn tin trên, các tay súng này di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ và “sắp đến” Libya để sát cánh cùng chính quyền Tripoli tham chiến. Cụ thể, 300 tay súng của Sư đoàn 2 thuộc lực lượng Quân đội Quốc gia Syria (SNA) sẽ được điều động trong đợt đầu tiên tới Libya. Những chiến binh này đã rời Syria qua cửa khẩu quân sự Hawar Kilis vào ngày 24/12/2019.
Tiếp đó, vào ngày 29/12/2019 vừa qua, 350 tay súng khác đã lên đường tới Libya. Nguồn tin trên cho hay: “Họ đã đồn trú tại các vị trí tiền tiêu ở phía Đông Tripoli”. Ngày 5/1, đã có 1.350 tay súng đi vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, một số đối tượng này đã đi sang Libya, trong khi một số tay súng khác đang được huấn luyện ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Tripoli đã ký thỏa thuận với Ankara vào ngày 20/12/2019, trong đó có điều khoản cho phép cử binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya theo đề nghị của GNA.
Phản ứng về tình hình Libya hiện tại, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố, các nỗ lực của Nga nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên đối lập tại Libya không đi đến kết quả cuối cùng.
Phát biểu tại một phiên họp Quốc hội, Ngoại trưởng Le Drian nêu rõ: "Chỉ có một tiến trình chính trị mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi thế bế tắc này. Sẽ không có một giải pháp quân sự".
Theo Ngoại trưởng Pháp, lệnh ngừng bắn được đưa ra đã kiềm chế được các bên, "song các cuộc thảo luận tại Moscow đã không đi đến kết quả cuối cùng và mỗi bên phải tôn trọng lệnh ngừng bắn do điều này rất quan trọng đối với hội nghị (thượng đỉnh) tại Berlin vào ngày 19/1".
Ngoại trưởng Pháp đặc biệt đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vì những thỏa thuận quân sự mới đây với chính quyền tại Libya, cho rằng đây là một sự vi phạm rõ ràng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ).
Cùng ngày, hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập đưa tin, Nghị viện Arab cùng ngày đã bày tỏ sự phản đối đối với bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya.
Sau cuộc họp diễn ra ở Cairo (Ai Cập) nhằm thảo luận và đánh giá về những diễn biến gần đây ở Libya, Nghị viện Arab đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình ở Libya vốn đã phức tạp lại càng trở nên rắc rối hơn và sẽ kích động xung đột, chia rẽ giữa các bên ở Libya”.
Nghị viện Arab cho rằng, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài, gây cản trở cho giải pháp hòa bình, làm ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực, đồng thời đe dọa an ninh của các nước láng giềng.
Ngoài ra, Nghị viện Arab cũng chỉ trích việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/1 đã phê chuẩn việc cho phép triển khai các lực lượng của Ankara tới Libya, cho rằng đây là “sự vi phạm trắng trợn” luật pháp quốc tế. Tổ chức này khẳng định, hoàn toàn ủng hộ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Libya, đồng thời kiên quyết bác bỏ bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hình ở quốc gia Bắc Phi này.