18 năm Mỹ sa lầy ở chiến trường Afghanistan, hơn 2.400 quân tử trận

Cả một thế hệ người Mỹ đã trưởng thành kể từ khi siêu cường này lao vào chiến trường cách họ nửa vòng trái đất, với mục tiêu đập tan Taliban và xây dựng một Afghanistan mới.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ khiến gần 3.000 người thiệt mạng, tổ chức khủng bố al-Qaeda và tay trùm Osama Bin Laden được xác định là nhân vật chỉ huy toàn bộ chiến dịch. Chính quyền Taliban của Afghanistan từ chối giao nộp trùm khủng bố. Chỉ 1 tháng sau, Mỹ phát động chiến tranh, tiến hành không kích và tập hợp liên quân lật đổ chính quyền Taliban. Ảnh: Reuters.

"Chúng ta không mong muốn sứ mệnh này, nhưng chúng ta sẽ hoàn tất nó", Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố ngày 7/10/2001 khi ra lệnh tiến hành đợt không kích đầu tiên trên lãnh thổ đất nước Trung Á. Gần 18 năm trôi qua kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, họ vẫn đang sa lầy ở chiến trường Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Tuy mất quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban đã không bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhóm không ngừng tìm cách giành lại ảnh hưởng, lật đổ chính phủ do Mỹ và đồng minh chống lưng, tổ chức những vụ tấn công thảm khốc giết hại cả quân chính phủ lẫn dân thường vô tội. Ảnh: Reuters.

Lực lượng Taliban và al-Qaeda không thể bị tiêu diệt tận gốc. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tăng quân lên gần 100.000 người tại chiến trường Afghanistan với hy vọng dứt điểm cuộc chiến nhưng không thành công. Lực lượng Taliban bị đẩy lùi khỏi nhiều khu vực ẩn náu dọc theo biên giới phía nam, tiếp giáp Pakistan, rồi sau đó mạng lưới lại được hồi phục. Ảnh: Reuters.

Năm 2014 được xem là một trong những năm đẫm máu nhất tại Afghanistan kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Cuối năm đó, các lực lượng quốc tế của NATO cũng chấm dứt sứ mệnh tác chiến sau nhiều năm mỏi mệt. Taliban chớp lấy thời cơ và tiến hành hàng loạt vụ đánh bom nhắm vào các mục tiêu chính phủ lẫn dân thường Afghanistan. Theo BBC, tính đến cuối năm 2018, Taliban đã công khai hoạt động trên gần 70% lãnh thổ Afghanistan Ảnh: Reuters.

William Ruger, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách Viện Charles Koch, cho biết cuộc chiến tại Afghanistan khiến Mỹ tốn gần 1.000 tỷ USD trong suốt 18 năm qua, với hơn 2.400 binh sĩ thiệt mạng. Mỹ cũng tốn mỗi năm gần 45 tỷ USD để duy trì cuộc chiến dù đã thu hẹp dần quy mô tham gia vào chiến trường. Ảnh: Reuters.

Afghanistan trở thành cuộc chiến gây thiệt hại lớn nhất và tốn kém nhất cho quân đội Mỹ và đồng minh. Tính từ cuộc đổ bộ tháng 10/2001, hơn 3.500 nhân sự của liên quân quốc tế đã thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến đã kéo dài đến nhiệm kỳ tổng thống thứ 5. Trước Tổng thống Donald Trump, cả hai người tiền nhiệm là George W. Bush và Barack Obama đều chịu sức ép rút quân khỏi chiến trường Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Mỹ cùng đồng minh cũng đổ tiền viện trợ xây dựng lực lượng quân đội chính quy của Afghanistan trong gần 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn dễ dàng bị đánh bại bởi các nhóm vũ trang thiện chiến và đông đảo của Taliban cùng những lực lượng cực đoan khác. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết hơn 59.000 người thuộc các lực lượng an ninh của nước này đã bị giết trong những vụ tấn công kể từ khi NATO chấm dứt sứ mệnh tác chiến năm 2014. Ảnh: Reuters.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc thống kê khoảng 40.000 dân thường đã thiệt mạng. Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Watson tại Đại học Brown (Mỹ) cho biết hơn 42.000 phần tử thuộc các lực lượng đối lập đã tử vong trong 18 năm qua. Ảnh: Reuters.

Chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan cũng vấp phải nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền, giết hại dân thường, sử dụng những biện pháp gây tranh cãi để thu thập thông tin tình báo chống khủng bố. Trong ảnh, nhóm người Afghanistan, tình nghi tham gia các hoạt động của Taliban, bị trùm kín mặt và giam giữ tại một trường học ở làng Kuhak, phía bắc thành phố Kandahar. Ảnh: Reuters.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ nên từ bỏ hy vọng xây dựng một đất nước Afghanistan mới. "Quân đội Mỹ có thể làm được những điều vô cùng to lớn. Họ có thể đánh thắng các cuộc chiến và ổn định những cuộc xung đột. Tuy nhiên, quân đội không thể tạo ra được một nền chính trị hoặc xây dựng một xã hội", cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes thừa nhận. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên kế hoạch tiếp tục rút quân khỏi chiến trường Afghanistan, đặt mục tiêu chấm dứt cuộc chiến dài nhất của đất nước. Chính phủ Mỹ cũng xây dựng một dự thảo hiệp ước hòa bình với Taliban, đề xuất rút 5.400 quân nhân khỏi 5 căn cứ trong thời hạn 135 ngày. Nỗ lực này vấp phải nhiều lo ngại Taliban không giữ lời hứa và trỗi dậy đe dọa nước Mỹ. Tổng thống Trump hôm 7/9 thông báo ông quyết định hủy hòa đàm và tìm phương án khác. Ảnh: Reuters.

Theo số liệu của Lầu Năm Góc, trong suốt 18 năm qua, tổng cộng 750.000 quân nhân Mỹ đã được triển khai đến chiến trường Afghanistan. Mọi lực lượng quân sự Mỹ đều từng có người tham gia tại chiến trường này, bao gồm cả Tuần duyên Mỹ với hơn 100 nhân sự. Hiện còn 14.000 quân Mỹ và 17.000 nhân sự của NATO và các đồng minh đóng tại đây. Tính từ đầu năm 2019, có thêm 16 quân nhân Mỹ thiệt mạng tại chiến trường Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Lê Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/18-nam-my-sa-lay-o-chien-truong-afghanistan-hon-2400-quan-tu-tran-post988484.html