18 giải pháp phục vụ thí điểm chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh
Gồm 18 giải pháp, 'Danh mục giải pháp phục vụ thí điểm chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, phiên bản 1.0, giai đoạn 2025 - 2026' là cơ sở để các tỉnh, thành phố nghiên cứu và áp dụng phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
“Danh mục giải pháp phục vụ thí điểm chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, phiên bản 1.0, giai đoạn 2025 - 2026” đã được Bộ KH&CN ra quyết định ban hành. Đây là một trong nhiều văn bản đã được Bộ KH&CN ban hành trong nửa đầu năm nay với mục đích hướng dẫn, thúc đẩy triển khai hoạt động chuyển đổi số trên toàn quốc.
Theo danh mục này, có 18 giải pháp được Bộ KH&CN đề xuất nhằm chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, gồm 10 giải pháp chính quyền số cùng 8 giải pháp kinh tế số và xã hội số. Trong đó, 10 giải pháp chính quyền số gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của tỉnh; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh; Nền tảng họp trực tuyến; Phần mềm quản lý chuyên ngành của các Sở; Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; Hệ thống họp không giấy tờ.

Bãi đỗ xe thông minh là 1 trong 18 giải pháp phục vụ thí điểm chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Tám giải pháp về kinh tế số và xã hội số gồm có: Bản đồ số nông nghiệp; Hệ thống chiếu sáng thông minh; Giải pháp chuyển đổi số du lịch; Hệ thống quan trắc và giám sát môi trường; Ứng dụng quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; Bãi đỗ xe thông minh; Hệ thống điều khiển đèn giao thông thông minh; Hệ thống logistics của tỉnh.
Cùng với việc đề xuất danh mục 18 giải pháp chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn, Bộ KH&CN cũng hướng dẫn chi tiết những việc cơ quan chủ quản thí điểm các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh cần tập trung thực hiện.
Đó là, xây dựng và ban hành Danh mục giải pháp thí điểm chuyển đổi số toàn diện của tỉnh mình cho giai đoạn 2025 - 2026, trong đó chỉ rõ giải pháp dùng chung, dùng riêng. Địa phương cần bảo đảm lựa chọn các giải pháp phù hợp với Khung kiến trúc chính quyền số cấp tỉnh, tránh trùng lặp với các nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung của ngành, lĩnh vực, vùng đã được Trung ương quy định; đồng thời, có tính kế thừa và khả năng tận dụng lại những nền tảng đã có của tỉnh, thành phố để tiết kiệm chi phí.
Triển khai khảo sát nhu cầu nghiệp vụ, người dùng của các cơ quan tại địa phương để xác định phạm vi, chức năng của giải pháp chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh; xây dựng và công bố kiến trúc của giải pháp.
Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và thông báo rộng rãi để các đơn vị tại địa phương nắm rõ, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm khai thác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh có sử dụng chung.
Triển khai đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhằm xây dựng và vận hành các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tại địa phương và thiết lập cơ chế phối hợp thực hiện hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về sử dụng giải pháp chuyển đổi số trước khi triển khai chính thức; phối hợp với các phương tiện truyền thông để phổ biến, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo tính toàn diện của quá trình chuyển đổi số.
Bộ KH&CN cũng cho biết, các địa phương sẽ chủ động đăng ký thí điểm Danh mục giải pháp, trong đó nêu rõ cơ chế đầu tư, các giải pháp được lựa chọn và doanh nghiệp thực hiện. Bộ KH&CN sẽ tiếp nhận, phối hợp kiểm tra, đánh giá, công bố và nhân rộng những mô hình thành công.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI trong giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp tối ưu, giúp giải quyết những thách thức có thể phát sinh trong quá trình sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính.
Liên quan đến việc triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo báo cáo của Bộ KH&CN, ngày 14/6, tại hội nghị công bố 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, 2 hệ thống trợ lý ảo do Viettel, VNPT phát triển đã chính thức được ra mắt.
Trong đó, trợ lý ảo của Viettel tập trung hỗ trợ hỏi - đáp về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, phục vụ mọi đối tượng từ người dân, doanh nghiệp đến cán bộ, công chức trong quá trình triển khai chính quyền địa phương 2 cấp; trợ lý ảo của VNPT: Hướng đến người dân và doanh nghiệp, cung cấp tính năng tra cứu, hướng dẫn thủ tục hành chính, và phản hồi nhanh chóng các yêu cầu liên quan đến 1.800 dịch vụ công hiện hành, với kế hoạch mở rộng trong tương lai.
Từ ngày 1/7, thời điểm chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Vietnam Post, Viettel cử nhân viên hỗ trợ tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính tại 34 tỉnh/thành phố, đảm bảo hoạt động liên tục 24/7.
Song song đó, Bộ KH&CN cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo dung lượng đường truyền, băng thông kết nối phục vụ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, các hệ thống thông tin quan trọng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo thông suốt trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác công vụ.