Yên Bái đào tạo nghề cho 88.000 lao động nông thôn

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có 90% số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Bước đầu, công tác dạy nghề mang lại hiệu quả nhất định, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có 90% số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Bước đầu, công tác dạy nghề mang lại hiệu quả nhất định, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh giảm từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 66,90% (năm 2017), góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt kế hoạch, có nhiều mô hình sản xuất điển hình như: Sản xuất rau an toàn tại các xã Tuy Lộc, Âu Lâu (TP Yên Bái); trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Ðồng, Báo Ðáp… Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho 88.000 lao động nông thôn. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trên các phương tiện truyền thông, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình và thời gian đào tạo cho phù hợp yêu cầu thực tế và nhu cầu của người học.

* Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã

Tại Hà Tĩnh, đến hết năm 2017, có 780 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 60% tổng số HTX toàn tỉnh; vốn điều lệ bình quân đạt 1,34 tỷ đồng/HTX, doanh thu bình quân đạt 547 triệu đồng/HTX, thu nhập của người lao động đạt hơn 24 triệu đồng/người/năm. Cùng với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vai trò, hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo chuỗi giá trị ngày càng được nâng cao. Có 120 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các HTX nông nghiệp mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tỉnh đang thực hiện các mục tiêu của Ðề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Cùng với việc duy trì, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của 272 HTX nông nghiệp được đánh giá là có hiệu quả sau khi thực hiện phân loại, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 60% số HTX hoạt động có hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với năm 2017.

Tỉnh thực hiện kế hoạch thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX; tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý HTX; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; lựa chọn các ngành hàng chủ lực của địa phương để thúc đẩy thành lập HTX chuyên ngành.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37648402-yen-bai-dao-tao-nghe-cho-88-000-lao-dong-nong-thon.html