Xuân về nghe thơ Bác

Không chỉ những bài thơ chúc Tết mỗi độ xuân về mà trong từng câu, từng lời thơ của Bác bao giờ cũng ấm áp, mang niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Mỗi khi giao thừa đến, nghe thơ Bác, chúng ta lại được truyền thêm cảm xúc để yêu thương, gắn kết với nhau nhiều hơn, hết lòng vì công việc và thấy cuộc sống tươi đẹp như một mùa xuân bất tận.

Chắp cánh cho niềm tin và khát vọng bay xa

Vậy mà đã hơn nửa thế kỷ rồi, đồng bào ta không được nghe Bác chúc Tết, mỗi đêm giao thừa. Nhưng vào thời khắc thiêng liêng ấy, tiếng của Người ấm áp, lại như ngân lên trong tâm khảm người dân Việt Nam. Có khi chỉ là “Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”, những vần thơ chúc Tết của Người mang một thông điệp mới, truyền sức mạnh cho cả dân tộc đạp bằng mọi chông gai, hướng tới ngày mai tươi sáng mà Người hằng mong ước “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay), Xuân Đinh Mùi, 9/2/1967. Ảnh tư liệu.

Sau 30 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, cứu dân, mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo toàn dân làm cách mạng. Bài thơ mừng năm mới đầu tiên của Người là Xuân Nhâm Ngọ (1942). Khi đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra rất nặng nề, Người chúc đồng bào ta đoàn kết mau; chúc Việt- Minh ta càng tấn tới và chúc cách mệnh thành công khắp thế giới.

Những lời thơ mộc mạc mà nung nấu quyết tâm cao như núi, hiệu triệu cả dân tộc sát cánh cùng đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến với niềm tin mãnh liệt vào chính sức mình. Khát vọng ấy đã trở thành hiện thực: Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Niềm vui vô bờ bến trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chưa được bao lâu, cả dân tộc lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Đón Tết năm 1946, Người gửi nhiều thư chúc mừng đồng bào, chiến sĩ cả nước, phụ nữ, thanh thiếu niên và nhi đồng, đồng bào ta ở nước ngoài.

Với những chiến sĩ đang chiến đấu ngoài trận tuyến, Người động viên: “Bao giờ kháng chiến thành công,/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào./ Tết này ta tạm xa nhau,/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”. Đó là lời hẹn ước, là quyết tâm của toàn dân tộc. Mới năm đầu của cuộc kháng chiến dù cam go và gian khổ, bài thơ làm cho mọi người vững niềm tin vào thắng lợi ngày mai.

Đoán định được tương lai, mỗi bài thơ của Người dù được viết trong hoàn cảnh khó khăn nhất cũng luôn mở ra một chân trời mới. Năm 1947, trong thơ chúc Tết, Người khẳng định: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 là hiện thực hùng hồn nhất cho đoán định ấy.

Tin vào sức mạnh, vào tiền đồ của cách mạng, thơ của Người luôn mang đậm hào khí của một dân tộc anh hùng, được vun đắp suốt bốn nghìn năm lịch sử, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, vì thế mà thơ của Người là nhạc, là cảm hứng, là khát vọng mùa xuân của dân tộc Việt Nam. Khát vọng ấy theo Người suốt cả cuộc đời.

Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người năm 1969 như những nốt nhạc hào hùng, như tiếng kèn xung trận, thôi thúc cả dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên, chiến sĩ, đồng bào/ Bắc- Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

Nhiều khi là những lời chúc Tết nôm na nhưng mỗi bài, mỗi câu thơ của Người đều cháy bỏng khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; là tình yêu thương con người, cảnh vật thiên nhiên và có tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ thiên tài.

Giao hòa giữa lòng người với thiên nhiên, với cách mạng

Nói đến thơ, có lẽ không thi sĩ nào lại không mượn ánh trăng để tả nỗi lòng; từ "trăng tàn", "trăng khuyết" đến “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Trăng là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân… Còn theo nhà thơ Nguyễn Đình Thi, thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống.

Có lẽ vì thế khi ngắm trăng, Bác mới nhận mình là nhà thơ. Ít người để ý rằng "Ngắm trăng" là bài thơ thứ 20 trong tập "Nhật ký trong tù", Người viết khi bị giam cầm tại nhà lao Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc).

Trong hoàn cảnh mới bị giam cầm bốn tháng thôi đã tiều tụy còn hơn mười năm trời mà Người vẫn ung dung tự tại và yêu đời: “Trong tù không rượu cũng không hoa,/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ./ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Người ngắm trăng là lẽ tự nhiên, ai cũng cảm nhận được nhưng “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” lại khác lắm, chỉ có bút pháp nghệ thuật tài tình mới có được câu thơ tinh tế và đa cảm như thế.

Một năm khởi đầu bằng mùa xuân. Mỗi bài thơ xuân của Bác lại mang đến một niềm tin yêu vào cuộc sống mới, nhưng cũng luôn nhắc chúng ta phải biết rèn luyện, biết hành động, vượt qua khó khăn thì mới có mùa xuân mới tươi đẹp hơn. “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”.

Trăng và Bác là người bạn tri kỷ, như mối lương duyên trời định. Sau này tại chiến khu Việt Bắc, trăng vẫn xuất hiện nhiều trong thơ của Người. Đó là những bài thơ trữ tình đầy cảm hứng. Năm 1948, cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, cho nên Người rất bận, chưa thể làm thơ. Và trong một đêm khuya giữa núi rừng chiến khu, trăng dường như nhớ nhà thơ lắm, mới đẩy cửa sổ hỏi: “Thơ xong chưa”? (thi thành vị?) Trăng đến như người bạn tâm tình. “Trăng vào cửa sổ đòi thơ,/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau” (Báo tiệp- Tin thắng trận).

Nhân duyên giữa trăng và thơ trong Bác không như các nhà thơ khác, bởi Người viết thơ là để làm cách mạng. Bác mượn thơ, trăng, mùa xuân để nói tiếng lòng mình với trái tim mênh mông và “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ/ Cho hôm nay và cho mai sau” (Tố Hữu).

Nói đến thơ xuân của Bác, không thể không nhắc đến bài "Nguyên tiêu" (Rằm tháng Giêng): "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền". Bài thơ là một kiệt tác do Người viết ở Việt Bắc, năm 1948. Bản dịch của Xuân Thủy được nhiều người thích nhất: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".

Chỉ bốn câu thôi, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một bức tranh viên mãn của mùa xuân chiến khu. Trăng rằm giữa mùa xuân lồng lộng soi tỏ, hòa vào xuân của sông, xuân của nước và xuân của trời, tô điểm cho nhau, tạo nên bức tranh thủy mặc lung linh, huyền ảo, thơ mộng nhưng rất thực như có thể nắm bắt được. Không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, hai câu kết mới lột tả một cách chân thực nhất, sinh động nhất phong thái, tâm hồn cao cả của một thi sĩ- chiến sĩ.

Cuộc kháng chiến khi ấy đang cam go, gian nan và Người luôn theo sát nó từng giờ, từng phút. Bài thơ toát lên tinh thần, ý chí không gì lay chuyển của một vị lãnh tụ ngoài mặt trận.

Một năm khởi đầu bằng mùa xuân. Mỗi bài thơ xuân của Bác lại mang đến một niềm tin yêu vào cuộc sống mới, nhưng cũng luôn nhắc chúng ta phải biết rèn luyện, biết hành động, vượt qua khó khăn thì mới có mùa xuân mới tươi đẹp hơn. “Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”.

Bắc Văn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/418288/xuan-ve-nghe-tho-bac.html