Xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật góp phần giải quyết vụ việc chủ động, linh hoạt hơn
Chiều 20/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Theo đó, các ĐBQH đồng thuận với việc ban hành nghị quyết, kịp thời tháo gỡ vướng mắc do quy định của pháp luật. Điều này sẽ góp phần để Chính phủ xử lý, giải quyết các vụ việc một cách chủ động, linh hoạt.
Tham gia thảo luận tại Tổ 2 gồm các đại biểu Quốc hội (ĐHQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Đa số các ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Nghị quyết; tán thành trình tự xây dựng, ban hành Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ; hồ sơ dự án đầy đủ, đúng quy định.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tại Tổ 2
Các ĐBQH cũng cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ. Theo đó, Nghị quyết này quy định về tiêu chí xác định, nguyên tắc, phương án, quy trình và trách nhiệm trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân do quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ, các ĐBQH đề nghị ưu tiên giải pháp sửa đổi luật, nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án luật, nghị quyết thuộc Chương trình lập pháp năm 2025 - 2026. Ngoài ra, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết này thì đề nghị rà soát, chỉnh lý các quy định về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc trong một số dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này để bảo đảm thống nhất với quy định của Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật nếu được Quốc hội thông qua phải thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mới; đồng thời tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án, công trình.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật nhằm đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chí về thời gian, tính khả thi...

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đóng góp ý kiến
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, trong thời gian qua, Quốc hội đã rất nỗ lực để hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản luật, kể cả ban hành một luật để sửa nhiều luật. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã nỗ lực trong việc sử dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật để rà soát các quy định, văn bản pháp luật để tránh sự chồng chéo giữa các luật.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn những tồn tại nhất định dẫn đến các cơ quan thực thi pháp luật có những cách hiểu khác nhau. Chính vì thế, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật là hết sức cần thiết. Bởi dự thảo Nghị quyết đã góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật được thực thi có hiệu quả thì Ban soạn thảo cần bổ sung vào Điều 3 về nguyên tắc xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật cần bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm tại phiên họp
Ngoài ra, trong trường hợp Chính phủ phải xử lý những vụ việc mang tính cấp thiết hay thí điểm thì Chính phủ có thể thực hiện việc sửa đổi, bổ sung những nội dung đã được ban hành một cách phù hợp. Cụ thể như trong thời gian các luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 4, để xử lý những khó khăn, vướng mắc, Chính phủ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số quy định có liên quan tại luật, nghị quyết của Quốc hội do Chính phủ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại phiên họp, kỳ họp gần nhất. Điều này sẽ góp phần để Chính phủ xử lý, giải quyết các vụ việc một cách chủ động, linh hoạt; hỗ trợ cho việc giải ngân một cách hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các địa phương thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp thì có thể phát sinh những vướng mắc thì Chính phủ có thể đưa ra những văn bản sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của sự thay đổi, phát triển.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94693