Xây tiếp đường trên cao vượt Ngã Tư Sở: Kinh nghiệm gì?

Ông Bùi Danh Liên gọi đây là phương án khắc phục những thiếu sót khi làm Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở chưa tính đến.

Từ ngày 9/11, TP Hà Nội đã thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng, nhằm san sẻ áp lực phương tiện cho tuyến đường dưới thấp.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại Ngã Tư Sở lại tái diễn vào giờ cao điểm, thậm chí còn trầm trọng hơn, so với thời điểm trước khi thông xe tuyến đường Vành đai 2.

Để giải quyết tình trạng trên, theo thông tin trên báo Tiền phong, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đang phối hợp với Sở GTVT lên phương án xây dựng tiếp đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở và đến nút giao Cầu Giấy, hoàn thiện đường Vành đai 2 chạy đến cầu Nhật Tân.

Về việc triển khai đường Vành đai trên cao đoạn Ngã Tư Sở-Cầu Giấy, hiện lòng đường sau nhiều năm mở rộng đã có đủ quỹ đất để xây dựng các trụ cầu gác dầm trên cao ở dải giữa. Đoạn đường vành đai trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có chiều dài 5km, tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội gọi phương án làm tiếp đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở là phương án khắc phục những nhược điểm, những vấn đề phát sinh trong quá trình đưa vào sử dụng đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng mà trước đó chưa tính đến.

"Như vậy, Hà Nội lại thêm tốn kém về mặt đầu tư, nhưng bây giờ đó là giải pháp góp phần giải quyết ùn tắc cho Hà Nội nói chung và nút Ngã Tư Sở nói riêng nên cần ủng hộ", ông Bùi Danh Liên nói.

Sẽ có đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở để giải quyết ùn tắc tại khu vực này

Dù vậy, ông lưu ý, bài toán của ngành GTVT Hà Nội và nhà đầu tư đã không tính chi tiết. Đáng lẽ phải kiểm đếm khi mở con đường đó lượng xe đi trên cao là bao nhiêu, đi bên dưới bao nhiêu, tốc độ như thế nào sẽ tuần tự lưu thông. Đường trên cao thông thoáng thì đương nhiên xe đi nhanh hơn, sau đó đổ dồn xuống nút giao, gây ùn tắc là chuyện đương nhiên.

"Rõ ràng việc kiểm đếm chưa chu đáo, chưa đưa ra được phương án chi tiết. Lẽ ra Đây là bài học trong đầu tư hạ tầng của ngành giao thông", nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội nhấn mạnh và cho biết, dự án đường Vành đai 2 trên cao trục Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở được làm theo hình thức BT, Hà Nội đổi đất lấy hạ tầng, cuối cùng vẫn là tiền của thành phố. Điều đáng buồn là do trình độ quản lý kém, thiếu tầm nhìn, việc tính toán thiếu chu đáo, chính xác sẽ khiến thành phố mất thêm tiền hoặcthêm đất để khắc phục hậu quả.

"Nếu cá nhân mua nhà bao giờ cũng phải tính trước đường đi lối lại có thông thoáng không, ô tô có vào được ngõ không... Nhưng đó là việc riêng, còn việc chung dường như lại không nhìn xa được đến vậy, gây lãng phí vô cùng", ông Bùi Danh Liên nhận xét.

Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc đầu tư hạ tầng Vành đai 2 là sợi chỉ xuyên qua phía Nam TP Hà Nội, nhưng phải tính đến hậu quả của nó, mà Vành đai 3 là một ví dụ.

Vành đai 3 của Hà Nội giờ đã trở thành đường "xuyên quốc gia" qua thủ đô, thường xuyên trong tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm. Không những thế, xe tải, xe khách chạy suốt ngày đêm trong nội đô còn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn... Cho nên, phải tính đến việc phân luồng các phương tiện ra ngoài Hà Nội.

"Hà Nội cần có cái nhìn dài hạn để giải quyết các vấn đề, nên tập trung quyết liệt vào những dự án giao thông đã có trong quy hoạch, như các tuyến metro, xe buýt...

Muốn giải quyết ùn tắc giao thông thì phải giải quyết bài toán tổng thể và bằng nhiều giải pháp, không nên đổ cho ngành GTVT cũng không nên đổ cho quy hoạch.

Phải xem việc triển khai thực hiện có đúng với quy hoạch hay không. Ví dụ, muốn giải quyết ùn tắc ở Vành đai 2 và Vành đai 3 thì phải làm đường Vành đai 2,5 - tuyến giao thông phụ trợ cho hai đường vành đai trên.

Thế nhưng, hiện đường 2,5 chưa được làm ở một số chỗ, một số chỗ khác thì đang dang dở.

Chừng nào chưa có các tuyến đường ngang như vậy để phân luồng thì Hà Nội còn ùn tắc, và cũng không lấy đâu đủ người để phân luồng giao thông.

Như đường Lê Văn Lương, vào giờ cao điểm, người đổ ra ùn ùn, lòng đường hết, xe leo lên cả vỉa hè để đi, không ai bắt đi xuống được. Cho nên, phân luồng giao thông cũng chỉ là lý tưởng mà thôi, phải đầu tư hạ tầng một cách hợp lý theo các phương án đã được duyệt", ông Bùi Danh Liên chỉ rõ và đề nghị Hà Nội cần có giải pháp thực sự quyết liệt cho những thập kỷ sau, trong đó phải xem xét lại quy hoạch nhà cao tầng trong nội đô.

"Phải đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, thiếu sót đâu thì bổ sung, còn cứ cố làm để chạy theo thành tích thì cuối cùng đường tắc vẫn hoàn tắc", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-tiep-duong-tren-cao-vuot-nga-tu-so-kinh-nghiem-gi-3422846/