Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021. Quan điểm nhất quán của thành phố là luôn cầu thị để xây dựng môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng.

Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một hội nghị xúc tiến đầu tư do TP Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu năm 2019.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021. Quan điểm nhất quán của thành phố là luôn cầu thị để xây dựng môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng.

Hơn ba năm hoạt động, Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn thành phố (Tổ công tác) đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Ðây được xem là mô hình sáng tạo, đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển của thành phố.

Thời gian qua, Tổ công tác đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với một số dự án, gồm: 51 dự án bất động sản; 21 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và hai dự án liên quan đến hoạt động sản xuất. Ngoài ra, 108 đề xuất, kiến nghị của DN, nhà đầu tư cũng được Tổ công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý.

Trong các dự án được Tổ công tác kết luận hướng xử lý vướng mắc nêu trên, hiện có 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng đã cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo. Các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành, hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, nhiều giải pháp liên quan đến huy động và phát huy nguồn lực trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư đã được Tổ công tác đưa ra, như: Phát triển đô thị chung quanh nhà ga, tạo nguồn thu từ quỹ đất các tuyến metro; đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố (đối với các dự án đầu tư nhóm A); thực hiện xã hội hóa các khu đất có quy hoạch thể dục thể thao… Ðây là những đột phá góp phần cải thiện môi trường đầu tư của thành phố.

Tuy nhiên, do các nội dung, vấn đề được Tổ công tác xem xét, giải quyết hầu hết đều tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm, trong khi quy định pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ. Từng trường hợp cụ thể, để tìm được hướng giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân trong khi vẫn phải bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, là một vấn đề rất khó. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, một số nội dung chưa được quy định, hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới lúng túng trong quá trình triển khai. Cùng với đó, một số dự án, vấn đề vượt quá thẩm quyền của thành phố, hiện đang được các cơ quan trung ương giải quyết, hoặc đang chờ ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành...

Hiện, TP Hồ Chí Minh có gần 447.380 DN, trong đó có 431.536 DN trong nước (chiếm 96,46%), 15.843 DN FDI (chiếm 3,54%). Về quy mô, DN có vốn điều lệ dưới ba tỷ đồng hơn 284.000 DN, chiếm hơn 64,4%; DN có vốn điều lệ từ ba tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng khoảng 119.800 DN, chiếm 26,14%; DN có vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng có 33.506 DN, chiếm 7,25%; DN có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên có 10.062 DN, chiếm 2,18%... Ðại diện một số DN trong nước và ngoài nước góp ý thành phố cần đưa ra các giải pháp đồng bộ, nhất là các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tiếp cận nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết khó khăn cho DN trong thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép lao động cho người nước ngoài...

Với quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng đồng bộ, quyết liệt, đẩy mạnh hỗ trợ DN, không để xảy ra tình trạng "ngâm" hồ sơ, nhũng nhiễu gây khó khăn cho DN, thành phố đưa ra 10 nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục tập trung cải cách TTHC; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố để giải quyết các vụ việc nhanh chóng, công khai; minh bạch về nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn lao động; hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn lực tài chính; khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19...

Ðối với nhóm giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thành phố tập trung hỗ trợ DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn theo các bộ tiêu chí an toàn thành phố đã ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh biện pháp giảm TTHC để hỗ trợ lưu thông hàng hóa, duy trì các hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu. Ban hành kế hoạch hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19 năm 2021 với nội dung công việc và trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Ðánh giá tình hình và đề ra các giải pháp thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017. Ban hành kế hoạch hỗ trợ và phát triển DN nhỏ và vừa năm 2021 và giai đoạn
2021 - 2025...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Chính quyền thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của DN bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác về đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư của thành phố ngày càng minh bạch, thông thoáng. Yêu cầu các sở, ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương rà soát các hồ sơ dự án đã tiếp nhận. Ðẩy nhanh tiến độ giải quyết và trả kết quả hồ sơ cho DN, nhà đầu tư theo đúng thời gian luật định. Trường hợp có khó khăn do công tác phối hợp liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, hoặc do quy định pháp luật chưa rõ ràng, đề nghị các đơn vị phải có văn bản báo cáo ngay với UBND thành phố để chỉ đạo giải quyết. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "ngâm" hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/xay-dung-moi-truong-dau-tu-minh-bach-thong-thoang-639382/