Xây dựng lực lượng kiểm soát cửa khẩu vững mạnh, chính quy, hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) và của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, trong thời gian qua, Đảng ủy Cục Cửa khẩu BĐBP đã quán triệt và triển khai nghiêm túc các giải pháp trong quản lý, duy trì hoạt động của hệ thống cửa khẩu, cảng biển do BQP quản lý. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại các cửa khẩu, lối mở, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, mà còn giữ vững an ninh trật tự địa bàn khu vực biên giới.

Đại tá Đỗ Ngọc Toàn. Ảnh: Trần Đức

Hiện nay, BĐBP quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC) tại 154 cửa khẩu (trong đó có 117 cửa khẩu tuyến biên giới đất liền, 37 cửa khẩu cảng) và 88 lối mở biên giới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, những năm qua, Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, BQP tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chiến lược, trong đó có Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị); trong đó xác định BĐBP là một quân chủng thuộc BQP, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; trong đó có lực lượng cửa khẩu BĐBP.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn, lực lượng cửa khẩu BĐBP đã quán triệt, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ thị, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, BQP; luôn đoàn kết, thống nhất, đổi mới, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XIV. Trong đó, kết quả nổi bật là: Đã tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tập trung đầu tư trang bị kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC theo hướng hiện đại. Triển khai thí điểm tự động hóa kiểm soát XNC bằng Cổng kiểm soát tự động tại 3 cửa khẩu quốc tế: Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai) và công tác giám sát qua hệ thống camera tại các cửa khẩu trọng điểm, kết nối và truyền dữ liệu hình ảnh về Trung tâm chỉ huy tác chiến BĐBP. Ứng dụng công nghệ “Kiểm soát XNC bằng mã vạch” và 10 ngày đóng dấu kiểm chứng một lần tại 18 cửa khẩu biên giới trên đất liền tuyến Việt Nam - Trung Quốc và thực hiện kiểm soát ra vào cổng cảng, lên xuống tàu bằng công nghệ mã vạch tại 2 cửa khẩu cảng (Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh). Triển khai hệ thống trang thiết bị, phần mềm phục vụ kiểm soát XNC theo mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Đen Sa Vẳn (Lào).

Việc hiện đại hóa trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin đã thống nhất được cơ sở dữ liệu về hành khách, phương tiện, vụ việc và camera giám sát tại các đơn vị cửa khẩu phục vụ công tác chỉ huy, điều hành của Bộ Tư lệnh BĐBP và trao đổi dữ liệu với các bộ, ngành có liên quan; hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải; nâng cao hiệu quả vận hành trang bị kỹ thuật, giảm cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát; đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình kiểm soát XNC, tạo hình ảnh cửa khẩu hiện đại, đáp ứng xu thế hội nhập; rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo sự thông thoáng, thuận tiện, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và hành khách XNC đánh giá cao.

Bên cạnh đó, BĐBP đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động lưu thông XNC, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu do BQP quản lý, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; chủ động tham mưu BQP báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC và cải cách thủ tục tại các cửa khẩu. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho lực lượng cửa khẩu BĐBP triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu.

Đảng ủy Cục Cửa khẩu BĐBP cũng đã tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các cơ quan của Bộ Tư lệnh BĐBP và các bộ, ngành quy hoạch hệ thống cửa khẩu, xác định phạm vi khu vực cửa khẩu. Đồng thời, rà soát để tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP về việc thành lập mới, nâng cấp các đồn, trạm cửa khẩu cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Quyết định số 1446/QĐ-BTL ngày 12-5-2016 (ban hành quy định điều động, bố trí, sử dụng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng công tác tại các đơn vị cửa khẩu trong BĐBP) nhằm nâng cao chất lượng công tác ở các cửa khẩu. Tích cực phối hợp với các học viện, nhà trường triển khai mô hình học cụ, giáo án để nâng cao chất lượng dạy và học về công tác cửa khẩu, đẩy mạnh công tác huấn luyện đào tạo tại chức để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên làm công tác cửa khẩu.

Những năm tới, trong bối cảnh thế giới đang có bước tiến nhảy vọt về khoa học, kỹ thuật, công nghệ với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội trên toàn thế giới. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói chung và công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC nói riêng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát XNC, giám sát, đảm bảo an ninh tại khu vực cửa khẩu, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như hoạt động của tội phạm công nghệ cao, an ninh phi truyền thống...

Để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, công tác cửa khẩu đã và đang tập trung vào triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để tham mưu cho BQP báo cáo, đề xuất Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC của BĐBP, tránh chồng chéo với các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu. Triển khai kịp thời các quy định của pháp luật, nhất là: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của người Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho lực lượng làm công tác cửa khẩu BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm chặt chẽ, thông thoáng, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tập trung triển khai có hiệu quả thủ tục biên phòng trên Cổng thông tin Biên phòng điện tử và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tiếp tục phối hợp với các học viện, nhà trường, cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội trong công tác nghiên cứu, chế thử các trang bị ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh trắc học, dữ liệu lớn, Internet vạn vật), tiến đến tự chủ về công nghệ, dây chuyền sản xuất trong nước đối với trang bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới và kiểm soát XNC.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khoa học, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác nghiên cứu mô hình quản lý, chỉ huy điều hành hiện đại của các quốc gia tiên tiến về quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC để áp dụng triển khai phù hợp với điều kiện đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Phối hợp xây dựng, triển khai Đề án “Xây dựng lực lượng Trinh sát kỹ thuật, Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm và Kiểm soát cửa khẩu hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Bốn là, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và lực lượng cán bộ làm công tác cửa khẩu nói riêng. Ngoài yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cần phải coi trọng đào tạo trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị nghiệp vụ được trang cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC trong tình hình mới.

Năm là, thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng, phát huy hiệu quả, vai trò của Ủy ban hợp tác cửa khẩu, xây dựng mô hình cửa khẩu kiểu mẫu; phối hợp với lực lượng kiểm soát XNC các nước có chung đường biên giới tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục XNC, xuất nhập khẩu, giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các cửa khẩu, cảng biển; xây dựng cửa khẩu và lực lượng cửa khẩu tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, BĐBP là đơn vị duy nhất trong BQP triển khai thủ tục Biên phòng điện tử và tham gia Cơ chế một cửa quốc gia theo các Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 3-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển và Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 23-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do BQP quản lý. Theo đó, BĐBP đang triển khai 21 thủ tục hành chính điện tử theo hình thức dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng thông tin điện tử Biên phòng; loại bỏ 15 thủ tục hành chính về lĩnh vực XNC không còn phù hợp; cắt giảm tới 45,5% các loại giấy tờ làm thủ tục. Việc triển khai thủ tục Biên phòng điện tử và tham gia Cơ chế một cửa quốc gia của BĐBP đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-luc-luong-kiem-soat-cua-khau-vung-manh-chinh-quy-hien-dai-tiep-can-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-post433469.html