Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

ĐBP - Như lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Tỉnh ủy tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, Điện Biên đã quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Đồng chí Trần Quốc Quân, cán bộ luân chuyển huyện Mường Ảng giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Mường Lạn giám sát tuyến đường liên bản Co Sản đi Huổi Lỵ do Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Hoàng Việt Điện Biên thi công, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ảng làm chủ đầu tư.

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng để triển khai thực hiện qua đó góp phần quan trọng khắc phục những bất cập, “kẽ hở” của cơ chế, quy chế, quy định. Các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa để ban hành nghị quyết, quy chế, quy định... phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm được thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, nội dung, tiêu chí theo quy định của Trung ương và của tỉnh, cơ bản bảo đảm tính khách quan, dân chủ, phát huy trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời phân cấp, phân quyền việc nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh, BTV các đảng bộ trực thuộc tỉnh. Việc này đã tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhận xét, đánh giá sâu sát và kịp thời hơn. Qua đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đã góp phần phát huy được ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực thi công vụ, làm cơ sở cho các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt nội dung trong công tác cán bộ, như: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử hoặc thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Công tác quy hoạch cán bộ được tiến hành đồng bộ từ dưới lên, ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), chất lượng được nâng lên, cơ bản bảo đảm nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; quy trình, các bước xây dựng và phê duyệt quy hoạch cán bộ thực hiện đúng quy định. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm rà soát, đánh giá, thẩm định chặt chẽ tiêu chuẩn chính trị cán bộ trước khi quy hoạch, đảm bảo phương châm “động” và “mở”, đáp ứng yêu cầu cơ bản về số lượng, chất lượng, cơ cấu về độ tuổi, nữ, ngành nghề, dân tộc, phù hợp với tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Cấp tỉnh đã quy hoạch 139 lượt cán bộ (85 đồng chí Ban chấp hành, 23 BTV, 31 đồng chí các chức danh lãnh đạo). Cấp huyện đã quy hoạch 1.186 lượt cán bộ (717 đồng chí ban chấp hành, 211 BTV, 258 là các chức danh lãnh đạo); 390 lượt cán bộ quy hoạch chức danh cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành và tương đương; 6.076 lượt cán bộ, đảng viên quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp đã cử 3.368 đồng chí đi đào tạo về chuyên môn từ đại học trở lên (2.177 đại học; 1.176 thạc sĩ; 15 tiến sĩ); đào tạo lý luận chính trị 5.764 đồng chí (5.228 trung cấp; 536 cao cấp); 85.289 lượt cán bộ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, ngoại ngữ, tin học, quốc phòng và an ninh... Qua đào tạo, bồi dưỡng, trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên và được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng ngày tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác luân chuyển cán bộ được tỉnh quan tâm thực hiện; các cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức rõ mục đích, yêu cầu của việc luân chuyển cán bộ là để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, nhằm chủ động nguồn cán bộ cho cả trước mắt và lâu dài, góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, đã thực hiện luân chuyển 119 cán bộ (cấp tỉnh 14, cấp huyện 105 đồng chí). Tỉnh ủy đã lãnh đạo thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ không phải là người địa phương. Cấp tỉnh 6/9 chức danh không là người địa phương (trong đó 1 đồng chí do Trung ương luân chuyển về tỉnh). Cấp huyện 8/10 bí thư không là người địa phương (trong đó tỉnh luân chuyển về 8 đồng chí); 8/10 chủ tịch UBND không là người địa phương (tỉnh luân chuyển về 5 đồng chí)...

Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết, công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn huyện được thực hiện thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc và có chú ý đến yếu tố đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển, đối tượng luân chuyển phù hợp từ đó xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo từng giai đoạn. Từ năm 2016 đến nay huyện đã thực hiện điều động, luân chuyển 29 lượt cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và các xã, thị trấn (luân chuyển 10 đồng chí). Định kỳ hàng quý, Huyện ủy Mường Ảng tổ chức gặp mặt cán bộ luân chuyển để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Đến nay, cán bộ được luân chuyển đều tích cực phấn đấu rèn luyện, trưởng thành trong môi trường làm việc mới cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nơi luân chuyển thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều phong trào thi đua trong sản xuất, quản lý dự án đạt hiệu quả cao hơn; công tác xây dựng nông thôn mới có sự đổi thay rõ nét; nhiều công trình mới, sáng tạo như thắp sáng đường quê, con đường hoa… được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa trong cộng đồng, đời sống của người dân được nâng lên, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bài, ảnh: Minh Thùy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/187840/xay-dung-doi-ngu-can-bo-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu