Xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng trầm trọng

Các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu đợt xâm nhập mặn gay gắt từ đầu tháng 1/2020 đến nay và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới.

Khô mặn ở Đồng bằng sống Cửu Long. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết, chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện ở mức cao trong các đợt triều cường.

Độ mặn tại hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ ở tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2015-2016, tại sông Cái Lớn ở mức xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2015-2016 – đây cũng là đợt khô mặn lịch sử tại vựa lúa lớn nhất cả nước.

Tình trạng xâm nhập mặn khắc nghiệt và kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực. Đến nay, đã có hơn 80.000 hộ dân ở Nam Bộ thiếu nước.

Theo ông Khiêm, qua theo dõi, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong đổ về trong các tháng đầu năm thấp hơn từ 20-45% và trong nửa cuối tháng 2-3/2020 ở mức thiếu hụt so với năm 2016 từ 5-20%. Tình hình xâm nhập mặn cũng đến sớm và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015-2016.

Về hiện trạng nguồn nước và việc vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhấn mạnh: "Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn”.

Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020. Đặc biệt là thời kỳ từ 11-15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3 năm 2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập, sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Đông Phong

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/xam-nhap-man-o-dong-bang-song-cuu-long-ngay-cang-tram-trong-101037.html