Xã vùng sâu Krông Knô khởi sắc

Krông Knô là xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của huyện Lắc (Đắc Lắc), là vùng giáp ranh với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, bộ mặt của xã đã khởi sắc, đời sống của bà con dân tộc M’nông nơi đây đã được cải thiện đáng kể và đang đổi thay từng ngày.

Xã Krông Knô có diện tích tự nhiên 28.454 ha gồm 12 buôn với 6.345 dân, trong đó chủ yếu là bà con dân tộc M’nông cùng với một số ít người Kinh và dân tộc khác mới đến đây định cư. Trước đây, bà con dân tộc thiểu số sống du canh du cư với tập tục phát đốt chọc tỉa, mỗi năm sản xuất 1 vụ vào mùa mưa. Làm không đủ ăn, hầu hết các hộ gia đình đều chịu cảnh đói kinh niên. Sau vụ thu hoạch vài ba tháng, lương thực trong nhà cạn kiệt, bà con phải vào rừng đào củ mài, hái lượm quả cây và rau tự nhiên để chống chọi với cái đói. Ngay từ sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng và chính quyền địa phương đã thực hiện công tác định cư, ổn định địa bàn canh tác cho bà con. Tại đây, huyện đã mở công trường xây dựng 6 công trình thủy lợi nhỏ và vừa, đào hệ thống kênh mương dài trên 5.500 mét; mở các công trường khai hoang vùng sình lầy và đất bồi ven khe suối để làm ruộng nước; khai hoang vùng rừng le lấy đất trồng hoa màu. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo bà con chuyển dần từ sản xuất quảng canh sang thâm canh, tăng vụ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại cây mới như: giống lúa IR64, ngô lai, đậu đố..., xây dựng những mô hình trình diễn sản xuất lúa nước, sản xuất ngô lai, trồng cây ăn quả chất lượng cao, chăn nuôi lợn hướng nạc... Đối với những hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn đã được cấp không hạt giống, cây giống và một số vật tư phục vụ sản xuất. Từ năm 2003 đến nay, xã đã tập trung khai hoang thêm vùng đất mới để cấp đủ đất ở và đất canh tác cho bà con theo chương trình 132 và chương trình 134 của Chính phủ. Nhờ vậy, trong 7 năm qua xã đã tăng đang kể diện tich đất canh tác. Năm 2003 xã thực hiện diện tích gieo trồng cả 2 vụ đạt 2.018,45 ha. Năm 2006, xã đưa tổng diện tích canh tác lên trên 3.500 ha cây trồng các loại. Đến năm 2009, toàn xã mở rộng diện tích canh tác trên 3.650 ha. Trong đó, cây ngô lai chiếm trên 55% diện tích canh tác của toàn xã. Tăng nhanh diện tích gieo trồng và thực hiện sản xuất có thâm canh, sản lượng lương thực của xã đã tăng nhanh, không những đủ ăn mà còn dư thừa phục vụ chăn nuôi. Năm 2003 xã đạt bình quân lượng thực đầu người 822,4 kg; năm 2006, xã ước tính bình quân lương thực đầu người đạt xấp xỉ 1.000 kg. Đến năm 2009, mức lưong thực bình quân đầu người đạt 1.150 kg. Sản xuất nhiều lương thực và hoa màu, bà con nông dân trong xã đã phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết mỗi gia đình nuôi 2 con lợn, vài chục con gà, vịt, ngan, ngỗng, nhiều hộ nuôi trâu, bò. Hiện nay, toàn xã đã phát triển tổng đàn trâu bò lên trên 850 con, đàn lợn lên gần 4.100 con. Công tác phòng dịch đã được thực hiện tốt, nên trong thời gian qua đàn gia súc, gia cầm của xã đều an toàn dịch bệnh. Ngoài sản xuất nông nghiệp, hiện tại trong xã có 3 buôn Liêng Krăk, Trang Yuk và Yông Har với 137 hộ bà con dân tộc M’nông nhận khoán quản lý bảo vệ 2.752 ha rừng của Lâm trường Lắc. Nhờ vậy, đã tạo cho bà con gắn bó với nghề rừng, có thêm thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt. Bằng nguồn vốn đầu của Nhà nước thông qua các dự án, vốn đầu tư của Chương trình 135, xã xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như làm đường giao thông liên xã, liên thôn buôn với chiều dài 26,5 km, bảo đảm cho xe ô tô đến được tất cả các điểm dân cư. Được tài trợ nguồn vốn nhà nước, kết hợp công huy động của dân, xã đã xây dựng hệ thống nược sạch được lấy từ nguồn nước suối trên núi cao qua lắng lọc đưa về cho dân. Hiện nay, điện lưới quốc gia đã về tận các buôn và toàn xã đã có 95% số hộ dùng điện. Nhiều gia dình bà con dân tộc mua ti vi và các phương tiện nghe nhìn. Không ít gia đình sắm xe máy , xe công nông phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đi đôi với việc tập trung xây dựng kinh tế ngày một đi lên, xã rất quan tâm đến công tác phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục và y tế. Toàn xã đã xây dựng được 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở thu hút 1.950 học sinh là con em bà con các dân tộc đến trường. Xã xây dựng trạm y tế có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 2 y tá viên, bảo đảm cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại cơ sở. Hiện nay, mỗi buôn trong xã có 1 đội văn nghệ, 1-2 đội bóng chuyền. Trong những ngày lễ tết, ngày hội văn hóa truyền thống, xã tổ chức liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao g1ữa các buôn, tạo nên không khí vui tươi. Hàng năm, xã cử đội văn nghệ tham gia hội diễn và đưa đội bóng chuyền tham gia thi đấu giao hữu tại huyện và đã được tặng nhiều giải thưởng cho tập thể và cá nhân xuất sắc. Từ vùng đất hoang sơ với cuộc sống đầy khó khăn, trải qua 35 năm tập trung xây dựng và phát triển, đến nay bộ mặt của xã Krông Knô ngày càng khởi sắc. Cuộc sống của người lao động ở đây đã khá lên nhiều lần so với trước đây. Bà con dân tộc nơi đây tự tin hơn về cuộc sống hôm nay để vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399371&co_id=30110