Xã hội hóa tạo nguồn lực và sức bật cho thể thao

Trong những năm qua, cùng với sự lớn mạnh của phong trào thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội hóa, đầu tư nguồn lực cho hoạt động thể thao. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào TDTT ngày càng phát triển sâu rộng, không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Để phát triển phong trào TDTT, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã xác định việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là yếu tố quan trọng. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng điểm sân chơi, bãi tập cộng đồng, đồng thời huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư theo mô hình đầu tư công, quản lý tư để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, tổ chức các giải đấu không chuyên đến chuyên nghiệp.

Đội bóng đá Than Quảng Ninh giành Huy chương Đồng V-League 2019. Ảnh: Hùng Sơn

Đội bóng đá Than Quảng Ninh giành Huy chương Đồng V-League 2019. Ảnh: Hùng Sơn

Đơn cử như Trung tâm TDTT phường Quang Hanh, Sân vận động Cẩm Phả sau khi được tỉnh giao cho Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang tiếp nhận, quản lý và vận hành khai thác đã đạt được những kết quả tích cực. Công ty đã đầu tư sửa chữa, mua sắm thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu hay bị hỏng... Các địa điểm này sau khi được cải tạo, nâng cấp đã phát huy công năng sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư, trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh, TP Cẩm Phả và là nơi tập luyện TDTT thường xuyên của nhân dân địa phương. Đồng thời, Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang đã tổ chức hoạt động huấn luyện các đội bóng, từ bóng đá trẻ U11 đến U21 và Đội bóng đá Than Quảng Ninh, tham gia các giải đấu quốc gia đoạt thành tích cao. Vừa qua, Đội bóng đá Than Quảng Ninh xuất sắc giành giải ba V-League 2019, đây là thành tích cao nhất của bóng đá nam Quảng Ninh kể từ khi trở lại hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Cùng với Trung tâm TDTT phường Quang Hanh, Sân vận động Cẩm Phả, cơ sở vật chất, thiết chế TDTT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều địa phương đã khắc phục khó khăn về diện tích sân bãi, tích cực đầu tư thiết bị, tận dụng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân tập luyện, thi đấu góp phần đưa hoạt động thể thao thường xuyên phát triển mạnh mẽ với các mô hình câu lạc bộ TDTT như bóng bàn, cầu lông, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, bóng đá... dưới nhiều quy mô khác nhau. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.500 sân cầu lông, hàng trăm sân bóng đá, bóng chuyền được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Thành viên CLB Bóng chuyền hơi của Hội NCT phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) duy trì tập luyện mỗi ngày.

Anh Nguyễn Văn Thấm (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), cho biết: Trên địa bàn phường, tôi thấy các bác trung tuổi trở lên khá ưa thích môn thể thao bóng chuyền hơi. Mọi người thường tự đóng góp kinh phí mua dụng cụ, trang phục để vui chơi, tập luyện hằng ngày tại các sân nhà văn hóa khu phố. Cùng với đó, thấy được nhu cầu của các bạn trẻ yêu thích bóng đá song không có nhiều chỗ tập luyện nên năm 2017 tôi đã xây dựng một sân cỏ nhân tạo. Bình quân mỗi ngày, sân cỏ cũng thu hút khoảng 40 - 60 người đến chơi, chia thành nhiều khung giờ khác nhau.

Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cũng quan tâm tăng cường tổ chức các giải thi đấu thể thao với nhiều bộ môn đa dạng, phong phú. Mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh có hàng nghìn giải thể thao được tổ chức từ nguồn kinh phí của cá nhân, doanh nghiệp đóng góp, tài trợ. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động TDTT. Nhờ đó, công tác xã hội hóa TDTT ngày càng được quan tâm, chú trọng hướng về cơ sở, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào TDTT của các địa phương. Trung bình kinh phí tài trợ cho các giải thể thao của xã, phường, thị trấn hằng năm chiếm gần 50% kinh phí chi cho TDTT cấp xã, phường, thị trấn; các giải thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố từ 30-40%; các ban, ngành, liên đoàn, doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ tổ chức các giải tỉnh và thi đấu các giải phong trào toàn quốc với kinh phí bằng 50%.

Thúc đẩy thể thao phát triển

Xã hội hóa đã góp phần làm cho phong trào thể thao quần chúng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức xã hội, đến nay, phong trào TDTT đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về quy mô, chất lượng, thu hút được mọi đối tượng tham gia. Tiêu biểu, phong trào TDTT trong lực lượng cán bộ, công nhân viên, thanh niên có số người tham gia tập luyện thường xuyên đạt từ 40-50%; phong trào rèn luyện TDTT trong lực lượng vũ trang có bước phát triển mạnh với 100% chiến sĩ đạt tiêu chuẩn “chiến sĩ khỏe”; nhiều CLB thể thao người cao tuổi được thành lập và hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo người cao tuổi đến sinh hoạt, tập luyện, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe...

Giải bóng bàn học sinh tiểu học, THCS, THPT Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Ninh lần thứ X - 2019 được tổ chức tại Nhà thi đấu 5.000 chỗ (phường Đại Yên, TP Hạ Long). Ảnh: Tạ Quân

Bên cạnh đó, xã hội hóa thể thao thành tích cao cũng có những bước tiến quan trọng. Một số môn thể thao tập thể từng bước được xã hội hóa theo phương thức nhà nước và tổ chức doanh nghiệp cùng đầu tư. Qua đó, đã hình thành một số cơ sở thể thao do tư nhân, doanh nghiệp đầu tư, quản lý khá tốt có khả năng tổ chức các giải thi đấu cấp tỉnh, quốc gia. Thông qua các giải đấu phong trào nhằm tìm kiếm, phát hiện những nhân tố tài năng để tiếp tục huấn luyện, đào tạo vận động viên thành tích cao cho tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nguyễn Thanh Tùng, trong thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động TDTT. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng chính sách, cơ chế cụ thể, tạo điều kiện ưu tiên các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Sở sẽ đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm về lĩnh vực thể thao, tổ chức các giải thi đấu thể thao thiết thực gắn với phát huy thế mạnh của các địa phương... Qua đó, thu hút đông đảo nhân dân hăng hái luyện tập TDTT, góp phần thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tạo động lực để phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển.

Nguyễn Dung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/the-thao/201911/xa-hoi-hoa-tao-nguon-luc-va-suc-bat-cho-the-thao-2461931/