Xã Cam Cọn gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới
Đến nay, xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) đã đạt 9 tiêu chí. Theo bà La Thị Liên, Bí thư Đảng ủy xã thì bên cạnh những thuận lợi, địa phương gặp rất nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan.

Ông Phạm Văn Minh chăm sóc đàn lợn.
Về khách quan, Bí thư Đảng ủy xã La Thị Liên cho hay: Do xã nằm trong vùng quy hoạch Cảng Hàng không Sa Pa với phạm vi ảnh hưởng 7 thôn, bản, hơn 400 hộ (quy hoạch khu sân bay, quy hoạch khu tái định cư) nên nhiều hộ không yên tâm đầu tư sản xuất, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp nhà ở. Bởi vậy, mong muốn của người dân và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là tiến độ triển khai xây dựng cảng hàng không được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, Cam Cọn là xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, tâm lý trông chờ, ỷ lại còn nặng nề. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Một số cán bộ ở thôn, bản chưa tích cực tìm hiểu và tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, chưa phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư…
Trước tình trạng đó, xã Cam Cọn đã tăng cường chỉ đạo các thôn, bản, cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách thôn, bản tích cực tuyên truyền, vận động, đồng thời kiện toàn ban chỉ đạo xã và thành lập ban chỉ đạo, ban phát triển thôn, phân công từng thành viên phụ trách từng tiêu chí. Hằng năm, xã xây dựng các kế hoạch thực hiện phong trào thi đua chuyên đề theo nội dung của huyện phát động; UBND xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn, cán bộ phụ trách thôn, bản rà soát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, xã tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn.
Ban chỉ đạo xã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ xã, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua nhằm huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua theo chuyên đề như “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”, “Xây dựng giao thông nông thôn gắn với duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn”, “Xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa”, “Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn”, “Giữ gìn an ninh, trật tự”, “Toàn dân góp công, hiến kế xây dựng nông thôn mới”. Đảng ủy đã chỉ đạo triển khai các đề án về phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp; xây dựng nông thôn mới... trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân.
Gia đình ông Phạm Văn Minh, ở thôn Hồng Cam của xã là một điển hình trong thi đua phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Theo ông Minh, muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới rất cần huy động nguồn lực từ người dân và kinh tế các hộ phải phát triển. Được cán bộ xã và đồng chí Bí thư Chi bộ vận động, ông Minh đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại. Hiện mỗi năm, ông xuất bán khoảng 20 tấn lợn thịt và lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng. Kinh tế ổn định, ông có điều kiện tham gia đóng góp xã hội hóa cùng địa phương thực hiện các tiêu chí cần huy động sức dân.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Cam Cọn đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, xã có 2 thôn được UBND huyện xét công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới (Hồng Cam và Tân Thành), phấn đấu hết năm 2019 có thêm thôn Lỵ 3 đạt chuẩn. Trong lĩnh vực kinh tế, Cam Cọn dần hình thành các vùng chuyên canh và chuỗi liên kết sản xuất như trồng và tiêu thụ ớt; trồng dâu, nuôi tằm; trồng hồng không hạt, chuối ngự… Xã hiện còn 215/1.224 hộ nghèo; thu nhập bình quân của người dân đạt gần 23 triệu đồng/người/năm và có hơn 87% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn 3 cứng. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, tổng số huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của xã là hơn 27 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng. Phong trào xây dựng xã, thôn, làng, gia đình văn hóa phát triển rộng khắp ở các thôn, bản; tỷ lệ người dân ở nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...
“Năm 2019, Cam Cọn phấn đấu có thêm 2 tiêu chí đạt chuẩn và đến năm 2020 đạt 14 tiêu chí nông thôn mới. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt mục tiêu đề ra”, bà La Thị Liên cho biết thêm.